“Tử huyệt” hậu kiểm – Kỳ cuối: Phải khép lại kẽ hở cuối cùng
Hàng giả trôi nổi hợp pháp, người tử tế bị chèn ép, niềm tin sụp đổ. Kẽ hở hậu kiểm phải khép lại trước khi nó trở thành vỏ bọc cho sai phạm…
LTS: Trải qua bốn kỳ đầu tiên, loạt bài “Tử huyệt hậu kiểm” của Diễn đàn Doanh nghiệp đã lần lượt chỉ ra những lỗ hổng lớn trong cơ chế công bố, sự lỏng lẻo của khâu hậu kiểm và hệ lụy nặng nề mà người tiêu dùng cùng doanh nghiệp chân chính đang phải gánh chịu.
Trong kỳ cuối này, chúng tôi chuyển sang vai trò phản biện và kiến nghị, đưa ra những giải pháp cụ thể từ các góc nhìn pháp lý, quản lý, thực thi, với mong muốn “khép lại kẽ hở cuối cùng” đang bị lợi dụng để hợp pháp hóa hàng gian, hàng giả, đồng thời góp thêm tiếng nói trách nhiệm từ phía báo chí, doanh nghiệp và cộng đồng.
Hậu kiểm cần thực quyền
Thực tế đáng lo ngại là hàng loạt sản phẩm không đạt chất lượng, thậm chí chứa chất cấm, vẫn lưu hành trên thị trường dưới cái mác “đã công bố, có hồ sơ hợp pháp”.

Nhiều vụ chỉ bị phát hiện sau khi người tiêu dùng gặp nạn như vụ “Cốt bí xanh detox” gây ngộ độc Sibutramine; các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm; và mới đây là đường dây sản xuất sữa giả, tân dược giả vừa bị triệt phá. Điểm chung là chúng đều... có giấy tờ.
Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc: cơ chế hậu kiểm hiện tại có thực sự là hàng rào kỹ thuật bảo vệ người tiêu dùng, hay chỉ là thủ tục hợp thức hóa rủi ro? Nếu không thay đổi, hậu kiểm sẽ tiếp tục là vỏ bọc cho các hành vi lách luật.
Theo luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả “lọt cửa hậu kiểm” là do hệ thống pháp luật chưa theo kịp thủ đoạn hợp pháp hóa sai phạm.“Luật hiện hành chủ yếu xử lý vi phạm hậu kiểm theo hướng hành chính. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập hồ sơ giả, công bố khống, thậm chí thuê dịch vụ trọn gói để qua mặt cơ quan quản lý. Đây là hành vi có tính chất gian dối nghiêm trọng, cần được hình sự hóa”, bà Nhung kiến nghị.
Luật sư Nhung cũng đề xuất: cần bổ sung tội danh mới vào Bộ luật Hình sự về việc làm giả hồ sơ công bố sản phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, đi kèm với chế tài rút giấy phép vĩnh viễn đối với doanh nghiệp vi phạm có hệ thống. Chỉ khi có sự răn đe mạnh mẽ từ pháp luật hình sự, hành vi cố tình lách luật mới thực sự bị triệt tiêu từ gốc.

Về khía cạnh quản lý nhà nước, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La – cho rằng hậu kiểm hiện nay mới dừng ở mức hình thức, chưa đủ điều kiện làm hàng rào thực sự.
“Cơ quan hậu kiểm hiện gần như chỉ làm theo kế hoạch định kỳ, không có quyền kiểm tra đột xuất theo dấu vết, cũng không có cơ chế phối hợp dữ liệu hiệu quả giữa các bộ ngành”.
Luật sư Biên nhấn mạnh: nếu không cải tổ theo hướng trao thực quyền, hậu kiểm sẽ tiếp tục bị động và chậm trễ. Hậu kiểm cần được nâng cấp thành một cơ chế phản ứng nhanh, có thẩm quyền kiểm tra theo dấu vết thị trường, có quyền phối hợp xử lý liên ngành và được tiếp cận dữ liệu cảnh báo từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và truyền thông.
Ông cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu mở về hậu kiểm, cho phép người dân tra cứu lịch sử vi phạm của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp theo mã số công bố. Khi người tiêu dùng được tiếp cận thông tin hậu kiểm, hành vi gian dối sẽ không còn chỗ trú ẩn.
Một trong những vùng xám lớn hiện nay là trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và người quảng bá sản phẩm, vốn đang bị bỏ ngỏ. Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law – cho biết: “Trong nhiều vụ việc, sản phẩm chứa chất cấm được bán qua livestream, TikTok Shop, Shopee… nhưng các nền tảng này thường phủi trách nhiệm vì cho rằng chỉ là trung gian”.
Theo ông Tuấn, nếu không ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng, các sàn sẽ tiếp tục là nơi trú ẩn lý tưởng cho hàng gian. Ông đề xuất Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sắp tới phải bổ sung quy định liên đới trách nhiệm cho nền tảng, người bán và cả người quảng bá sai sự thật.
“Không thể để việc hậu kiểm chỉ tập trung vào doanh nghiệp sản xuất. Hậu kiểm hiện đại phải là hệ thống kiểm soát toàn chuỗi, có khả năng truy trách nhiệm đến tận cùng, từ người đăng bài đến người giao hàng”, ông Tuấn khẳng định.
Khuyến nghị 5 nhóm giải pháp trọng tâm

Với những cảnh báo xác đáng từ giới chuyên môn, có thể thấy rõ: nếu không hành động mạnh tay, hậu kiểm sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho gian dối sinh sôi.
Từ góc nhìn của các chuyên gia và thực tiễn giám sát thị trường, Diễn đàn Doanh nghiệp kiến nghị 5 nhóm giải pháp cần được thực hiện đồng bộ: Trước hết, cần sửa luật theo hướng bổ sung chế tài hình sự với hành vi làm giả hồ sơ công bố; đồng thời tăng mức phạt và rút giấy phép vĩnh viễn với doanh nghiệp vi phạm có hệ thống. Cơ chế pháp lý phải đủ mạnh để không chỉ trừng phạt mà còn ngăn chặn ngay từ gốc.
Thứ hai, hậu kiểm cần tổ chức lại theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Thay vì kiểm tra dàn trải, cần tập trung vào nhóm sản phẩm có rủi ro cao như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu… theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Thứ ba, phải ứng dụng mạnh công nghệ. Cần sớm xây dựng mã định danh sản phẩm, kết nối với cơ sở dữ liệu hậu kiểm công khai, cho phép người tiêu dùng tra cứu lịch sử vi phạm. Khi thông tin trở nên minh bạch, hành vi lừa dối sẽ bị loại khỏi “vùng an toàn”.
Thứ tư, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an… để hậu kiểm không còn là mảnh đất “ai kiểm cũng được – ai chịu cũng không rõ”. Phối hợp cần mang tính bắt buộc, gắn trách nhiệm rõ ràng.
Cuối cùng, cần siết chặt trách nhiệm liên đới. Không thể để nền tảng TMĐT, người livestream hay tổ chức quảng bá sai sự thật đứng ngoài vòng kiểm soát. Một cơ chế hậu kiểm hiện đại phải đủ sức truy vết trách nhiệm theo chuỗi và xử lý minh bạch, công khai.
Đã đến lúc phải nhìn thẳng: nếu pháp luật không siết lại, thì hàng giả sẽ tiếp tục sống khỏe dưới vỏ bọc hợp pháp. Người tử tế sẽ tiếp tục mất chỗ đứng, còn niềm tin thị trường ngày càng cạn kiệt.
Suy cho cùng, hàng giả không đáng sợ bằng hàng giả được pháp luật hợp thức hóa. Hậu kiểm không thể mãi đến sau hậu quả. Phải đến trước rủi ro. Đó không chỉ là yêu cầu của thị trường. Đó là mệnh lệnh của lòng tin.