Bệ phóng cho doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi xanh
P4G là cơ hội chiến lược để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá trong chuyển đổi xanh, nếu biết tận dụng hợp tác công – tư, đổi mới sáng tạo và chủ động kết nối nguồn lực toàn cầu.
Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu Toàn cầu (P4G) 2025 – một sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng, đánh dấu vai trò tiên phong của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu vì tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
.jpg)
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) về những dấu ấn của P4G và cơ hội mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về Diễn đàn P4G và những dấu ấn của P4G 2025?
Diễn đàn P4G được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Bên cạnh 12 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam (là 1 trong 07 quốc gia sáng lập), thì P4G cũng có sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Có thể nói P4G là diễn đàn hàng đầu thế giới hiện nay về thúc đẩy hợp tác đối tác công – tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội, các học giả, nhà nghiên cứu… để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá cho doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Hỗ trợ của P4G cho các dự án đối tác chủ yếu thông qua hình thức hợp tác công – tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo triển khai các hoạt động tạo tác động cho quá trình chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến nay đã có 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh P4G, tổ chức tại Đan Mạch vào năm 2018, trực tuyến tại Hàn Quốc vào năm 2021 và tại Colombia vào năm 2023. Kỳ Hội nghị thượng định lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai năm nay được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Kỳ Hội nghị lần thứ 5 dự kiến sẽ được tổ chức tại Ethiopia năm 2027.
Nói về dấu ấn của P4G 2025 thì đây không chỉ là Hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh đầu tiên, mà đồng thời cũng có quy mô lớn nhất được Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026, thể hiện cam kết mạnh mẽ, vai trò tiên phong và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ P4G, cũng như trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Diễn đàn P4G 2025 cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các lãnh đạo cao nhất trong Đảng và Chính phủ Việt Nam. Tổng Bí Thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn, cùng sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trong nước và nước ngoài đến từ khoảng 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế, cùng đông đảo các vị đại sứ, trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Trong 4 ngày diễn ra sự kiện Tiền Hội nghị và Hội nghị chính (14-17/4), chúng ta đã tổ chức hơn 20 phiên thảo luận với nhiều hoạt động triển lãm xanh, kết nối doanh nghiệp thực chất.
Thông qua các cuộc đối thoại cấp cao và đối thoại với doanh nghiệp. Nhiều vấn đề thực tiễn liên quan đến các thách thức và co hội đối với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xanh hoá đã được phân tích, chia sẻ sâu sắc.
Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung Hà Nội khẳng định sự tiếp cận toàn cầu, toàn diện, hợp tác đa phương, lấy con người làm trung tâm sẽ là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy Tăng trưởng Xanh, giải quyết các vấn đề khí hậu và hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của P4G và sự tham gia của Việt Nam trong cơ chế hợp tác đa phương này?
Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của Diễn đàn từ những ngày đầu, khi tiền thân của P4G là Diễn đàn 3GF. Năm 2019, VCCI cùng với Bộ Tài chính (khi đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đồng chủ trì và ra mắt cơ chế Diễn đàn quốc gia P4G Việt Nam.
Trước khi chính thức hình thành P4G Việt Nam thì VBCSD/ VCCI cũng đã tích cực kêu gọi một số doanh nghiệp lớn trong nước tham gia vào P4G. VCCI đã chủ động tham gia tích cực trong việc hoạch định chiến lược của P4G cũng như các quá trình thẩm định, tham vấn, cấp vốn các dự án và tổ chức 04 kỳ Hội nghị thượng đỉnh P4G.

Từ góc độ đó, tôi nhận thấy P4G là một cơ chế hợp tác đa phương rất hữu ích bởi tập hợp được lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức xã hội toàn cầu uy tín và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, cùng hợp lực để thúc đẩy đòn bẩy “hợp tác công – tư” hướng tới phát triển năng lượng sạch, các mô hình kinh doanh “vị tự nhiên” như kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp, hay tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên…
Nổi bật trong hoạt động của P4G là cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Cơ chế hợp tác cụ thể là một tổ chức xã hội giới thiệu dự án của doanh nghiệp để cùng lập hồ sơ xin cấp vốn từ P4G.
Về phía Việt Nam, Bộ Tài chính và VCCI đóng vai trò góp ý, thẩm định “tính xanh”, mức độ khả thi cũng như khả năng tạo ảnh hưởng tích cực, dài hạn của hồ sơ xin cấp vốn, để đưa ra tư vấn cho Hội đồng cấp vốn duyệt.
Tính tới nay, P4G đã cấp vốn cho 20 dự án của Việt Nam. Trong giai đoạn 2 (2025-2030), chúng ta đặt mục tiêu sẽ có 50 dự án của Việt Nam được nhận vốn từ P4G.
Tại Diễn đàn P4G 2025 thì VCCI cũng đã tham gia rất tích cực và chủ động, với vai trò diễn giả trong các phiên thảo luận, thẩm định các phiên kết nối đầu tư Pitch Day, cho ý kiến vào Tuyên bố chung, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng…
Đặc biệt, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam trong một sự kiện hợp tác đa phương như P4G 2025, thì điều đó cũng minh chứng cho sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đến vấn đề chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới thông qua hàng chục FTA đã ký kết.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại Lễ khai mạc P4G rằng “Nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững. Chúng tôi sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó, thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh định hướng coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế quốc gia, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững song hành.
- Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gì từ những hoạt động của P4G?
Trước hết, các doanh nghiệp của chúng ta cần tích cực tìm hiểu, nắm rõ cơ chế về hợp tác công tư (PPP), nhất là khi Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020. Để chuyển đổi xanh thì nội lực của riêng doanh nghiệp là không đủ, thay vào đó doanh nghiệp cần tận dụng được sức mạnh của các cơ chế hợp tác, đặc biệt là PPP.
Muốn tận dụng được nguồn vốn từ P4G, các doanh nghiệp cũng cần đi qua “chiếc cầu” PPP. Những dự án hợp tác PPP về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn đa dạng sinh học,… sẽ rất thu hút được sự quan tâm của P4G.
Yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo và có tác động lan toả đang là những tiêu chí quan trọng cho “cấp vốn” của các dự án P4G. Do đó, các doanh nghiệp trước khi đề xuất dự án có thể liên hệ với VCCI để được tham vấn, hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ xây dựng hồ sơ năng lực dự án.
Bên cạnh đó, không chỉ với riêng P4G, để tiếp cận được những đối tác cấp vốn xanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi đồng bộ, từ tư duy kinh doanh đến công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng được chuỗi giá trị xanh, kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thế giới đang có nhiều biến động, còn trong nước chúng ta cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi tinh gọn bộ máy, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ tạo đột phá.
Và hơn hết, khi kinh tế tư nhân được nâng tầm lên tầm cao mới, thì các doanh nghiệp cần chủ động để nắm bắt và phát huy được những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để “đi trước, đón đầu”, biến thách thức thành cơ hội, kết hợp với nội lực vững chắc, để vươn mình trong kỷ nguyên xanh.
- Trân trọng cảm ơn ông!