Kinh tế

Kinh tế tư nhân và sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam

Lê Trà My 19/04/2025 05:00

Với sự năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng cao, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Sự lớn mạnh của khu vực tư nhân không chỉ đo đếm bằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới hằng năm, mà còn thể hiện qua số việc làm tạo ra, giá trị sản xuất và khả năng thúc đẩy đổi mới.

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhiều tín hiệu tích cực

Trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện sự linh hoạt đáng kể. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các startup trẻ tuổi, đã nhanh chóng tận dụng các xu thế mới để triển khai mô hình kinh doanh sáng tạo, ứng dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy sự đổi mới của toàn nền kinh tế.

Một tín hiệu tích cực là trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là startup trong nước đang thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Không khó để bắt gặp những câu chuyện thành công vang dội như MoMo, Base.vn, Sky Mavis… - các startup Việt Nam không chỉ gọi vốn hàng chục triệu USD mà còn vươn ra thị trường quốc tế, mang theo thương hiệu “Make in Vietnam”.

qtuan(3).jpg
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo để tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án phát triển kinh tế tư nhân chuẩn bị trình Bộ Chính trị. Ảnh: Quốc Tuấn

Những dòng vốn ấy không chỉ mang lại nguồn lực tài chính dồi dào, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với tri thức quản trị hiện đại, mạng lưới thị trường toàn cầu và các mô hình kinh doanh tiên tiến. Đó là điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và dẫn dắt làn sóng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực: từ thương mại điện tử, giáo dục, y tế, tài chính đến nông nghiệp thông minh.

Ngay cả những tập đoàn lớn có gốc gác từ kinh tế tư nhân như FPT, Vingroup, Thaco, Masan… cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, AI, chuỗi cung ứng toàn cầu… góp phần thay đổi diện mạo sản xuất trong nước, nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.

Tiếp tục gỡ rào cản, khai thông thể chế

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” vào ngày 17/3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. "Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới", Tổng Bí thư viết.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng ghi nhận, khu vực này cũng đối mặt với không ít thách thức cả từ nội tại lẫn khách quan - một thực tế đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra trong bài viết của mình. Những thách thức này không chỉ làm giảm hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân mà còn cản trở sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.

Đảm bảo công bằng tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn cho kinh tế tư nhân
Cải cách thể chế là một trong những giải pháp cần thiết khơi thông dòng vốn tư nhân và chuyển hóa thành tăng trưởng

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng tiếp cận nguồn lực từ vốn tín dụng, đất đai, cơ sở hạ tầng cho đến nhân lực chất lượng cao. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp nhiều khó khăn trong vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp, báo cáo tài chính chưa minh bạch hoặc không đáp ứng được các tiêu chí tín dụng.

Thị trường bất động sản đóng băng cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, chi phí tiếp cận đất đai và thủ tục xin giấy phép vẫn còn nhiều tầng nấc, phức tạp và thiếu minh bạch. Nhiều địa phương vẫn chậm trễ trong cải cách hành chính, chưa thực sự tạo ra môi trường đầu tư thân thiện, bình đẳng.

Đặc biệt, một vấn đề tồn tại lâu dài nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để là sự chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật và chính sách điều hành. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ mất quá nhiều thời gian và chi phí cho việc xin giấy phép, tuân thủ các quy định, báo cáo định kỳ… Những rào cản này không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động, mà còn tạo ra tâm lý lo lắng, dè dặt trong việc mở rộng đầu tư.

Thêm vào đó, hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức dù đã được Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh cần loại bỏ, song vẫn tồn tại dai dẳng ở một số cấp chính quyền địa phương. Đối với khu vực tư nhân - vốn nhạy cảm với rủi ro và thiếu sức chống chịu như doanh nghiệp nhà nước – thì đây chính là những gánh nặng vô hình nhưng đầy sức ép.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những điểm nghẽn không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Chính vì vậy, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, điều quan trọng nhất hiện nay là cần khơi thông dòng chảy thể chế.

Cải cách thủ tục hành chính cần được triển khai thực chất, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Việc sửa đổi, hoàn thiện các luật có liên quan phải hướng tới mục tiêu giảm bớt rào cản, tăng tính minh bạch và ổn định của môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được thiết kế sát thực tế, dễ tiếp cận, đồng thời có phân loại theo quy mô, ngành nghề và mức độ ảnh hưởng để doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi. Việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác công – tư (PPP), các chương trình đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia cũng là một hướng đi cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trong vài thập niên tới. Để hiện thực hóa khát vọng đó, không thể thiếu vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân – khu vực năng động, sáng tạo và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, vai trò này chỉ có thể phát huy tối đa khi những rào cản đang níu chân khu vực tư nhân được tháo gỡ. Khi đó, kinh tế tư nhân sẽ không chỉ là “cỗ máy tạo tăng trưởng” mà còn là người dẫn dắt công cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tạo ra một Việt Nam thịnh vượng - tự cường - và phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Trà My