Nhiều nền kinh tế châu Á vẫn còn bất ổn do thuế quan Mỹ
Nhiều chuyên gia cho rằng nhiều nền kinh tế châu Á sẽ còn gặp nhiều bất ổn kéo dài do khó đàm phán thuế quan với Mỹ.

Tình hình thuế quan đã trải qua nhiều diễn biến phức tạp. Mức thuế trung bình áp lên hàng nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ đã tăng vọt từ 4,8% (tính đến ngày 25/1) lên 44%.
Hiện nay, vẫn chưa có sự chắc chắn nào về hướng đi của chính sách thuế – chưa rõ mức thuế cuối cùng sẽ ổn định ở đâu, nền kinh tế nào sẽ thành công trong việc ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ để được giảm thuế, và các ngành nào vẫn sẽ phải chịu thuế, ở mức bao nhiêu?
Đối với doanh nghiệp, sự bất định này sẽ làm suy giảm niềm tin, dẫn đến việc ngừng hoặc giảm quy mô tuyển dụng và đầu tư. Ở cấp độ nền kinh tế, điều này sẽ kéo theo sự chững lại đáng kể trong chi tiêu đầu tư và thương mại, và hệ quả gián tiếp là ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm.
Theo Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á của Morgan Stanley, bài học rút ra từ giai đoạn 2018–2019 chính là sự suy giảm trong đầu tư và thương mại mới là những lực cản chủ yếu đối với tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia này cho rằng, việc giảm đáng kể mức độ bất định đó có lẽ là con đường duy nhất dẫn tới triển vọng kinh tế khả quan hơn. Một hướng đi khả thi khác là thông qua các thỏa thuận giúp giảm thuế, đặc biệt là đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo cách hiểu nguyên nhân dẫn đến áp thuế, chính quyền Mỹ dường như kiên quyết xóa bỏ thâm hụt thương mại và đưa hoạt động sản xuất trở lại trong nước. Vấn đề này dường như là cả cơ hội lẫn thách thức hướng đến việc đạt được các thỏa thuận thành công.
Tại châu Á, Trung Quốc được cho là đối tác khó đạt được thỏa thuận nhất với Mỹ. Ông Ahya cho rằng: "Cả hai bên đều sẽ hướng tới một thỏa thuận toàn diện, và với số lượng lớn các vấn đề cần giải quyết, đàm phán thương mại Mỹ- Trung chắc chắn sẽ phức tạp và kéo dài".
Tuy nhiên, việc khởi động đàm phán là bước then chốt. Có vẻ như vòng leo thang trả đũa đã dừng lại, và điều đó có thể tạo nền tảng để bắt đầu đàm phán trong vài tuần tới.
Việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc – hiện ở mức 305 tỷ USD, tương đương khoảng 1,6% GDP của Trung Quốc – có vẻ là mục tiêu khả thi. Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề thuần túy về thương mại, các yếu tố liên quan đến cạnh tranh chiến lược cũng sẽ đóng vai trò quan trọng.
Ở châu Á, khả năng đạt được thỏa thuận sẽ dễ hơn đối với các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia này có thể đề xuất mua thêm hàng hóa từ Mỹ, ví dụ như khí tự nhiên hóa lỏng, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng - cả hai yếu tố đều góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể tăng cường đầu tư tại Mỹ để giúp nước này đưa hoạt động sản xuất về trong nước.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia cảnh báo rằng hoạt động thương mại Mỹ - Trung sẽ bị gián đoạn. Các báo cáo gần đây cho thấy lượng đặt chỗ vận tải hàng hóa trên tuyến Trung Quốc – Mỹ đã giảm 2/3 trong vòng bảy ngày qua, và nhiều khả năng sẽ còn thêm gián đoạn trong thương mại. Bên cạnh đó, sẽ có sự chuyển hướng dòng chảy thương mại trong vài tháng tới, do chuỗi cung ứng đã được điều chỉnh lại kể từ làn sóng căng thẳng thương mại 2018–2019.
Tuy nhiên, hoạt động nhập hàng trước (front-loading) sẽ bị giới hạn bởi khả năng lưu trữ hàng tồn kho của các khách hàng cuối cùng tại Mỹ. Ngoài ra, biến động gần đây trên thị trường tài chính đã làm thắt chặt mạnh các điều kiện tài chính, kéo theo giai đoạn tâm lý e ngại rủi ro.
"Trong bối cảnh này, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của châu Á sẽ giảm mạnh kể từ quý II/2025. Cụ thể, kỳ vọng tăng trưởng GDP châu Á sẽ giảm đáng kể từ mức 4,8% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2024 xuống còn 3,6% trong quý IV năm nay", ông Ahya nói.
Mức độ bất định sẽ còn kéo dài, vì cần thời gian để các nền kinh tế châu Á ngoài Trung Quốc đạt được thỏa thuận, trong khi tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc dường như còn lâu hơn nữa. Điều này có khả năng dẫn đến niềm tin của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục suy giảm, đồng nghĩa với sự sụt giảm đầu tư và đà tăng trưởng của châu Á sẽ còn yếu hơn nữa.