Chuyên đề

Bài toán ổn định chi phí cho doanh nghiệp trước biến động giá xăng dầu

Diễm Ngọc 19/04/2025 04:13

Để ứng phó hiệu quả với biến động giá xăng dầu, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược linh hoạt từ tối ưu vận hành, đầu tư tiết kiệm năng lượng đến phòng ngừa rủi ro chi phí.

Trong nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố về căng thẳng thương mại, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị và các chính sách tài khóa, giá dầu - một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của các nền sản xuất, luôn nằm trong vùng biến động mạnh.

Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ (trên 100 tỷ USD/năm), rõ ràng không thể đứng ngoài các xung đột thuế quan toàn cầu (Ảnh minh hoạ)
Tác động của giá dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh không hề đơn giản và thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố đan xen (Ảnh minh hoạ)

Việc giá xăng dầu giảm thường được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tác động của giá dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh không hề đơn giản và thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố đan xen khác như chuỗi cung ứng, tỷ giá, chi phí logistics và biến động giá nguyên vật liệu khác.

Tại Việt Nam, với đặc thù là nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, tác động của giá dầu đến doanh nghiệp mang tính kép: vừa là cơ hội, vừa tiềm ẩn rủi ro. Các ngành như vận tải, logistics, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu thường là những đối tượng nhạy cảm trước biến động giá xăng dầu. Khi giá dầu tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán đội chi phí và giảm biên lợi nhuận. Ngược lại, khi giá dầu giảm, lợi ích không phải lúc nào cũng đến ngay lập tức, do độ trễ trong điều chỉnh giá, các ràng buộc hợp đồng hoặc chi phí đầu vào khác không giảm tương ứng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng việc giá dầu giảm do sự gia tăng nguồn cung chính xác là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp nói chung khi giá dầu là một thành tố quan trọng trong chi phí hoạt động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics. Chi phí xăng dầu thường chiếm tới 35-40% cấu thành giá vận tải nên việc hạ giá bán xăng dầu hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp này, trái ngược với tình cảnh năm 2023.

Tuy nhiên, giá dầu cũng có thể giảm theo sự suy giảm của nhu cầu dầu với nguyên nhân thường thấy là sự giảm phát kinh tế kéo theo là sự đi xuống của các hoạt động kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của mọi doanh nghiệp ở khắp các ngành nghề, từ vận tải cho đến sản xuất hàng tiêu dùng.

Ví dụ trong thời điểm hiện tại, các chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến lượng đơn hàng các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và vận tải sụt giảm mạnh. Vậy nên, để đánh giá được biến động của giá dầu tác động tích cực hay tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì cần phải xem xét đến nguyên nhân dẫn đến biến động này, đặc biệt là các tác nhân từ nhu cầu dầu và tình hình kinh tế vĩ mô.

Tháng 10/2023, Trung Quốc đã hoàn thành giao dịch thanh toán dầu thô xuyên biên giới đầu tiên bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số
Việc giá dầu giảm do sự gia tăng nguồn cung chính xác là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp nói chung (Ảnh minh hoạ)

“Thực tế, sự biến động thất thường của giá dầu cũng gây khó khăn lớn đến việc dự trù chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải và logistics. Do nhiên liệu chiếm tới gần 50% tổng chi phí vận hành, việc giá xăng dầu không còn được bình ổn như trước sẽ khiến chi phí logistics bị đội lên đáng kể. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải có thể buộc phải tăng giá cước, điều này có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa và dịch vụ khác trên thị trường, trong đó có ngành sản xuất hàng tiêu dùng”, ông Dương Đức Quang phân tích.

Hiện nay, để đảm bảo ổn định chi phí vận hành và duy trì năng lực cạnh tranh dài hạn, các chuyên gia khuyến nghị phía doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ứng phó linh hoạt và chủ động hơn, thay vì chỉ trông chờ vào các yếu tố thị trường thuận lợi.

Cụ thể là đa dạng hóa nguồn cung và phương thức vận chuyển. Việc phụ thuộc vào một hình thức vận tải duy nhất khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương khi giá nhiên liệu tăng đột biến. Do đó, cần cân nhắc kết hợp đa phương thức: đường bộ, đường thủy, đường sắt và cả dịch vụ logistics bên ngoài. Ngoài ra, việc thương lượng lại hợp đồng với nhà cung cấp vận chuyển theo hướng linh hoạt hơn với biến động giá xăng dầu cũng là giải pháp hiệu quả để giảm rủi ro tài chính.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, lập kế hoạch vận hành và quản trị tồn kho thông minh giúp doanh nghiệp dự báo chính xác nhu cầu, tránh dư thừa, tối ưu tuyến giao hàng và thời gian vận chuyển, từ đó tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Dữ liệu lớn (big data) và phân tích dự báo còn hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá xu hướng giá đầu vào, chủ động hơn trong kế hoạch mua hàng và sản xuất.

Về lâu dài, các doanh nghiệp nên từng bước chuyển đổi sang sử dụng thiết bị tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể nghiên cứu dần chuyển đổi sang phương tiện điện hoặc hybrid, đồng thời áp dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời cho các trung tâm vận hành hoặc nhà xưởng.

Một trong những hướng đi thông minh là xây dựng quỹ dự phòng chi phí đầu vào, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có biến động năng lượng cao. Doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận các công cụ phòng vệ rủi ro (hedging) trên thị trường tài chính để bình ổn chi phí.

Trong trường hợp chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp nên có cơ chế điều chỉnh giá bán hợp lý, có thể áp dụng chính sách giá động (dynamic pricing) theo khu vực hoặc thời điểm. Đồng thời, tái cấu trúc danh mục sản phẩm để ưu tiên các mặt hàng có biên lợi nhuận cao, ít phụ thuộc vào yếu tố năng lượng.

Trong một thế giới kinh tế biến động không ngừng, giá dầu là biến số khó đoán, nhưng doanh nghiệp không thể bị cuốn theo làn sóng mà cần chủ động thiết lập “hệ miễn dịch” cho mình. Những chiến lược nêu trên không chỉ giúp ứng phó trước rủi ro giá năng lượng, mà còn là nền tảng để hướng tới mô hình vận hành bền vững, thông minh và thích nghi tốt với thời cuộc. Trong cuộc chơi dài hạn, năng lực cạnh tranh không đến từ sự may mắn của thị trường, mà từ sự chuẩn bị bài bản và linh hoạt của mỗi doanh nghiệp.

Diễm Ngọc