Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp xanh

Yến Nhung 19/04/2025 04:00

Để khởi nghiệp xanh phát triển, cần hoàn thiện thể chế pháp lý, nâng cao nhận thức cộng đồng, đến mở rộng mạng lưới tài chính xanh và kết nối thị trường tiêu thụ bền vững.

Tại Việt Nam, khởi nghiệp xanh đang manh nha hình thành như một làn sóng mới, phản ánh sự chuyển dịch tư duy kinh doanh sang phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Nhiều startup trẻ đã mạnh dạn theo đuổi các mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất không phát thải, tái chế rác thải nhựa, thời trang bền vững… cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hành trình khởi nghiệp xanh còn nhiều chông gai. Đa phần các startup gặp khó khăn trong việc gọi vốn, do các mô hình kinh doanh xanh thường yêu cầu thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi mức độ rủi ro lại không nhỏ.

dsc993251990419pm-15904799372261869195646.jpg
Nhiều startup trẻ tại Việt Nam đã mạnh dạn theo đuổi các mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất không phát thải, tái chế rác thải nhựa, thời trang bền vững… - Ảnh" ITN

Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong chính sách hỗ trợ và hành lang pháp lý cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp xanh “đuối sức” sau một thời gian vận hành. Khởi nghiệp xanh hiện chưa được phân loại hay định nghĩa rõ ràng trong hệ thống pháp luật. Việc thiếu các tiêu chí xác định “doanh nghiệp xanh”, cũng như thiếu chính sách ưu đãi chuyên biệt về thuế, tín dụng, mặt bằng… khiến các startup xanh khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Mặt khác, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ xanh vẫn còn hạn chế, dẫn đến thị trường tiêu thụ chưa đủ mạnh để tạo sức bật cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ Nhà nước vẫn chủ yếu tập trung vào công nghệ, chưa có cơ chế riêng cho khởi nghiệp xanh – một lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và định hướng chính sách nhất quán.

Tất cả những yếu tố đó đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tạo dựng một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp xanh toàn diện, từ hoàn thiện thể chế pháp lý, nâng cao nhận thức cộng đồng, đến mở rộng mạng lưới tài chính xanh và kết nối thị trường tiêu thụ bền vững.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, mặc dù các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong phát triển các giải pháp công nghệ xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, cần sớm thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh tại Việt Nam; phát triển một khung chỉ số đánh giá tác động xã hội - môi trường - kinh tế dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh; hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các công nghệ xanh mới. Đồng thời, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về tiêu dùng xanh để thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhấn mạnh cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hỗ trợ đầu tư, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, trước hết cần cải thiện thể chế, pháp lý cho khởi nghiệp xanh; hình thành quỹ đầu tư bền vững, quỹ đổi mới sáng tạo Việt Nam, kêu gọi vốn từ các tổ chức quốc tế và áp dụng tiêu chí ESG trong xét chọn đầu tư; thúc đẩy tài chính xanh và công cụ thị trường, phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm… cho doanh nghiệp xanh.

“Bên cạnh đó, kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ. Theo đó, cần tăng cường các mối liên kết giữa startup với doanh nghiệp lớn; cùng với đó thiết lập trung tâm hỗ trợ tại địa phương, tăng cường liên kết giữa nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, quỹ đầu tư...”, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ đề xuất.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến nhận định, khởi nghiệp xanh tại Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhưng cần sự tiếp sức kịp thời từ chính sách, tài chính, đào tạo và cộng đồng. Nếu được hỗ trợ đúng cách, đây hoàn toàn có thể trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Yến Nhung