Nghiên cứu - Trao đổi

Băn khoăn mức phạt về vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Gia Nguyễn 19/04/2025 04:30

Với đề xuất xử phạt tăng cao nhiều lần so với hiện hành, Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang để lại không ít băn khoăn.

Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Dự thảo). Theo đó, tại Dự thảo này, Bộ Công an đề xuất nâng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi cao gấp nhiều lần so với Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

ban-khoan-muc-xu-phat-vi-pham-ve-phong-chay-chua-chay-18.4.1.jpg
Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ không đúng vị trí quy định (khoản 1, Điều 7 Dự thảo) - Mức phạt này gấp 10 lần quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng).

Đề xuất phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà; không có hệ thống điện phục vụ PCCC; không duy trì giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.

Nếu vi phạm quy định về trang bị, lắp đặt phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 20) Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy; không trang bị, lắp đặt hệ thống chữa cháy; không trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới.


Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định phạt tiền từ 40 -50 triệu đồng đối với hành vi đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan quản lý chuyên ngành. Kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 6 - 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản này.

ban-khoan-muc-xu-phat-vi-pham-ve-phong-chay-chua-chay-18.4.2.jpg
Góp ý Dự thảo Nghị định, VCCI bày tỏ băn khoăn mới một số quy định liên quan đến mức xử phạt được đề xuất - Ảnh minh họa: ITN

Đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc các chế tài xử phạt tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, với nhiều điều khoản quy định mức xử phạt cao hơn cả 10 lần so với quy định hiện hành, Dự thảo đã và đang để lại không ít băn khoăn.

Góp ý Dự thảo mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, so với các quy định hiện hành, Dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với nhiều hành vi vi phạm khoảng 2 lần, thậm chí cá biệt có hành vi lên từ 10 lần tới 18,75 lần. Quy định này được suy đoán nhằm tăng tính răn đe, từ đó góp phần giảm tỷ lệ vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt cao như vậy cũng cần cân nhắc lại đến nhiều yếu tố như: Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đồng loại cho nhiều hành vi vi phạm, bất kể tính chất và mức độ rủi ro của hành vi, là chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng mức xử phạt không tương xứng với mức độ nghiêm trọng; Việc tăng mức phạt quá cao ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, tăng thêm mức độ rủi ro trong kinh doanh.

Do đó, VCCI đề nghị, việc thiết kế các mức xử phạt nên phân chia cụ thể theo tính chất, mức độ rủi ro.

Cụ thể, với hành vi hành chính mà không trực tiếp gây nguy hiểm phòng cháy chữa cháy, việc tăng nặng chế tài với các hành vi này là chưa thực sự phù hợp. Chẳng hạn, Điều 7.1.a Dự thảo nâng mức phạt lên đến 10 lần với hành vi ban hành nội quy PCCC không phù hợp với đặc điểm của cơ sở. Mức tăng này là quá nặng với vi phạm mang tính hành chính, chủ yếu liên quan đến hướng dẫn và nâng cao nhận thức, không trực tiếp gây nguy hiểm hay tác động đến phương án PCCC…

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ nguyên mức xử phạt cho các hành vi vi phạm này”, VCCI góp ý.

Bên cạnh đó, với các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện/hệ thống PCCC, thực tập phương án chữa cháy, truyền tin báo cháy… việc tăng chế tài có thể cần thiết, nhưng không nên tăng quá cao. Ví dụ, Điều 26 Dự thảo tăng mức xử phạt vi phạm về xây dựng, thực tập phương án PCCC từ 2 – 5 lần, lên tới 25 triệu đồng.

Theo VCCI, điều này là không hợp lý vì đây chỉ là các hành vi mang tính chất tập dượt, chuẩn bị ứng phó, không trực tiếp gây ra cháy. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mức xử phạt phù hợp hơn với các hành vi này, có thể cân nhắc mức tăng 10 -30% tuỳ mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Ngoài vấn đề đã nêu, xoay quanh nội dung Dự thảo, cho ý kiến thẩm định trước đó, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, hiện nay, bộ máy Nhà nước vẫn đang trong quá trình sắp xếp, tinh gọn theo các Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025, Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, trên cơ sở bám sát, cập nhật liên tục sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức, mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh được quy định có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền và phân định thẩm quyền xử phạt của các chức danh cho phù hợp.

Gia Nguyễn