Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Thúc đẩy xử lý nợ xấu

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 19/04/2025 11:05

Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được kỳ vọng sẽ là bước đột phá giúp giải quyết tình trạng nợ xấu, từ đó mở ra cơ hội thúc đẩy nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong thời gian qua gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực và Luật Các tổ chức tín dụng mới được thông qua, một số nội dung quan trọng về xử lý nợ xấu đã không được quy định rõ trong văn bản mới, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc giải quyết vấn đề này.

Áp dụng thuế thu nhập với thừa kế, quà tặng cần được cân nhắc kỹ lưỡng
Thực tế, việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong thời gian qua gặp không ít khó khăn

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các biện pháp như kiểm soát nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn gặp khó khăn do tác động của tình hình quốc tế, cùng với những bất cập trong quy định pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm và nợ xấu, tình trạng nợ xấu vẫn gia tăng.

Đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 5,36% so với tổng dư nợ (bao gồm cả nợ xấu của 5 ngân hàng tái cấu trúc). Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.

Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.

"Điều này phản ánh rõ ràng rằng phần lớn các khoản nợ xấu được xử lý từ dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh và dòng tiền của các ngân hàng. Đáng nói, kể cả các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng rất vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27-28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai”, ông Hùng chia sẻ.

Từ những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ giúp cải thiện công tác thu hồi nợ, mà còn góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người vay, xóa bỏ tình trạng cố tình né tránh trả nợ.

Bộ Tài chính đề xuất rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về thu nhập từ thừa kế, quà tặng tại Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thực tế
Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được kỳ vọng sẽ là bước đột phá giúp giải quyết tình trạng nợ xấu

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm và nợ xấu, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng với việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Điều này sẽ không chỉ giảm chi phí hoạt động, mà còn thúc đẩy khả năng cung cấp vốn cho nền kinh tế.

“Quan trọng hơn là tháo gỡ vướng mắc, rào cản, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật và đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “kiến tạo phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro, chống lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, tiếp cận vốn, thực thi pháp luật...” nhất là trong bối cảnh nợ xấu gia tăng; rủi ro chiến tranh thương mại công nghệ ở mức cao, tác động lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước đề xuất ba nhóm chính sách với mục tiêu bảo đảm cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm tài sản. Cụ thể, luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn