Tự công bố thật, hậu kiểm hờ, trách nhiệm… ở đâu?
“Sữa giả tràn lan thế, ai chịu trách nhiệm?”, câu hỏi thẳng thắn ấy không chỉ là lời cảnh tỉnh, mà còn lột trần một sự thật: hệ thống đang vô chủ khi xảy ra khủng hoảng…
Khi nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đặt câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm với dân?” trong một hội thảo về quản lý thị trường thực phẩm vừa diễn ra, bà không chỉ nêu lên một băn khoăn cá nhân. Đó là câu hỏi đang lơ lửng trên đầu dư luận, sau khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 sản phẩm sữa bột giả, hoạt động trong suốt 4 năm, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Câu hỏi không dễ trả lời

Những sản phẩm được quảng cáo chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, vi chất quý… thực chất chỉ là hỗn hợp bột vô danh. Chúng được đóng gói đẹp đẽ, dán tem nhãn “hợp pháp”, phát trực tiếp qua livestream, bày bán công khai tại các chuỗi cửa hàng và điều đáng nói là tất cả đều đã được doanh nghiệp “tự công bố tiêu chuẩn”.
Nói về câu chuyện trách nhiệm, Bộ Công Thương khẳng định không quản lý các sản phẩm sữa bổ sung vi chất. Bộ Y tế nói đã phân cấp về địa phương. Trong khi đó, chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội thì từng kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm do chỉ xét các chỉ tiêu tức thời ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Trong khi đó, hàng trăm sản phẩm sữa giả đã âm thầm len lỏi vào thị trường suốt nhiều năm.
Không ai nhận phần… trách nhiệm
Bình luận về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhìn nhận rằng, nếu có một từ khóa để mô tả hệ thống quản lý hiện nay, thì đó chính là “vô chủ trong khủng hoảng”. Ông cho rằng:
“Khi sản phẩm còn suôn sẻ, mọi cơ quan đều có thể tham gia ban hành hướng dẫn, tổ chức hội thảo, ký biên bản phối hợp. Nhưng khi xảy ra sự cố, mỗi nơi lại có lý do để nói không thuộc thẩm quyền”.
Theo luật sư Luân, điều đáng lo ngại không chỉ là sự tồn tại của hàng giả, mà là khi thiệt hại xảy ra, vẫn không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể.
“Một hệ thống quản lý hiệu quả phải có cơ chế truy trách nhiệm đến cùng, kể cả khi đã phân cấp. Nếu không, càng chia nhỏ vai trò thì càng dễ dẫn đến sự thoái thác trách nhiệm. Và điều nguy hiểm hơn cả hàng giả, là sự im lặng của bộ máy khi hậu quả đã xảy ra”.

Trước thực trạng đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo về khoảng trống trách nhiệm trong hệ thống. Nói như đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), vụ việc này không chỉ cho thấy sơ hở, mà còn phản ánh “lỗ hổng nghiêm trọng trong giám sát”. Ông nhấn mạnh: cần làm rõ có hay không dấu hiệu “bảo kê” từ phía một số cơ quan chức năng, bởi nếu không quy trách nhiệm cụ thể, các vi phạm tương tự hoàn toàn có thể lặp lại ở quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng, đây là một bài kiểm tra ngược đối với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo bà, việc các sản phẩm giả có thể tồn tại công khai mà không bị phát hiện suốt nhiều năm cho thấy hậu kiểm đang diễn ra hình thức, còn cơ chế phân cấp lại thiếu ràng buộc trách nhiệm. “Luật pháp không thể tiếp tục để tồn tại những khoảng trống đến mức khi xảy ra hậu quả thì không cơ quan nào chịu trách nhiệm”, bà nói.
Trên góc độ quản lý vận hành, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề xuất cần nhìn lại toàn bộ chuỗi giám sát. Theo ông: “Từ cấp phép thành lập doanh nghiệp, giám sát hoạt động sản xuất, cho đến khâu lưu thông hàng hóa – sai ở đâu thì cơ quan ở đó phải chịu trách nhiệm”.
Bình luận về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đánh giá, nếu cơ chế giám sát không được hoàn thiện, nếu trách nhiệm tiếp tục bị chuyền tay, thì không chỉ là một lô hàng sữa giả, mà cả hệ thống bảo vệ người tiêu dùng sẽ đứng trước nguy cơ bị đánh mất niềm tin.