Nắm bắt cơ hội từ tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu
Căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thuế đối ứng của Mỹ không chỉ là biểu hiện xung đột chính sách mà cho thấy chuỗi giá trị toàn cầu đang tái cấu trúc.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu nhận định khi đề cập đến xu hướng thay đổi cấu trúc thương mại đầu tư toàn cầu trước tác động từ căng thẳng thương mại, trong đó chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, những năm gần đây, chuỗi cung ứng toàn cầu bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ nhất khiến doanh nghiệp phải định hình lại chiến lược về chuỗi cung ứng của mình. Những năm trước, chiến lược phổ biến của các doanh nghiệp là “Trung Quốc + 1”, tức là tìm một điểm đến ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro. Hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo có thể chuyển đổi sang "Trung Quốc + n" nhằm đa dạng hóa sâu hơn, mạnh hơn. Thậm chí, sẽ có xu hướng đưa sản xuất, đưa các nhà máy về gần các thị trường tiêu dùng như Mỹ, châu Âu.
Chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ tác động đến thị trường Việt Nam mà nhiều thị trường khác trên toàn cầu, trong đó có EU có khả năng bị áp thuế cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho rằng, thuế quan là thách thức nhưng không phải “điểm kết thúc” nên xem đây là cơ hội để tái định hình chiến lược phát triển của mình.
Tương tự như vậy, bối cảnh dịch chuyển mạnh mẽ, căng thẳng thương mại hiện nay không chỉ là biểu hiện của xung đột chính sách mà chuỗi giá trị toàn cầu đang tái cấu trúc.
Việt Nam hiện nay, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, là trung tâm sản xuất quan trọng nhờ khả năng hội nhập sâu, nguồn nhân lực, tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Để tiếp tục giữ vai trò chiến lược này, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào, mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài thị trường truyền thống, trong đó có thị trường EU.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cũng lưu ý một số vấn đề nổi bật của thị trường này với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, trước bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, EU trở nên thận trọng hơn và lo ngại, một lượng hàng hoá lớn như thép, sản phẩm năng lượng tái tạo không vào được Mỹ do chính sách thuế quan sẽ chuyển hướng vào EU. Việt Nam và EU đã ký kết FTA thế hệ mới với nhiều ưu đãi thuế quan nên có thể Việt Nam có nguy cơ trở thành trạm trung chuyển để hợp thức hóa nguồn gốc. EU đang cảnh báo hiện tượng lẩn tránh thương mại thông qua việc thay đổi xuất xứ hàng hóa.

Thứ hai, nếu phát hiện bất thường trong dòng chảy thương mại, không chỉ một vài doanh nghiệp bị điều tra mà toàn ngành có thể bị mất ưu đãi. Hiện EU đã mở rộng cơ chế giám sát và công khai giám sát nhiều mặt hàng.
Quan trọng nhất, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bảo đảm tính minh bạch của xuất xứ, song song với đó là nâng cao chất lượng và giá trị thực của sản phẩm. Sự chủ động thích ứng, chủ động minh bạch và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ là lựa chọn mà còn là điều kiện sống còn để hàng Việt Nam giữ vững chỗ đứng thị trường quốc tế.
Với thị trường EU, xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường, trong đó có Bắc Âu không đơn thuần là giải pháp tình thế để tránh rủi ro thuế quan từ Mỹ. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng, cần nhìn nhận đây là một bước tiến chiến lược để Việt Nam định vị lại vai trò trong hệ sinh thái thương mại thế giới đang hình thành.
Bắc Âu tuy là thị trường nhỏ nhưng yêu cầu, tiêu chuẩn môi trường, an toàn thực phẩm… khắt khe hơn so với quy định chung của EU. Đây cũng là nơi tập trung nhiều tập đoàn bán lẻ, chuỗi cung ứng toàn cầu nên được chú trọng xúc tiến đầu tư chiến lược.
Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU, nhất là các sản phẩm xanh tích hợp công nghệ hiện đại, thông minh để gia tăng giá trị (thực phẩm chế biến hữu cơ, đồ gỗ, linh kiện điện tử), sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Chỉ có điều, cơ hội này không dành cho những bước đi ngắn hạn. Chuyển đổi thị trường cũng yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi mô hình phát triển để không chỉ là sản phẩm thông thường mà xuất khẩu cả trách nhiệm với môi trường, với người lao động và người tiêu dùng toàn cầu. Song bù lại, nếu doanh nghiệp đáp ứng và thâm nhập vào thị trường EU và Bắc Âu sẽ dễ dàng mở rộng thị trường khác có yêu cầu cao.