Chính trị - Xã hội

Thủ tướng chủ trì lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước

Lê Mỹ 19/04/2025 12:10

Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn.

ttg1.jpg
Thủ tướng đi kiểm tra nhà ga T3 - Ảnh: TTXVN

Sự kiện thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đây là sự kiện chính trị xã hội lớn chưa từng có, với lễ khởi công, khánh thành các dự án theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TPHCM đến tất cả các công trình, dự án.

Thu tuong chu tri
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ Xây dựng – cơ quan chủ trì cho biết, theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ, tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Theo Bộ Xây dựng, nhiều công trình tổ chức khánh thành ngày hôm nay được triển khai trong bối cảnh vô cùng khó khăn, khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "trong những lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", ngành Xây dựng xác định quyết tâm hoàn thành đồng bộ và đúng hạn hoặc hơn nữa là vượt tiến độ các dự án vì đó là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

80 dự án, công trình được lựa chọn tổ chức khởi công, khánh thành hôm nay là thành quả và minh chứng của khát vọng phát triển, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Có thể điểm lại một số kết quả tiêu biểu đã đạt được như sau:

Thu tuong 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, tại điểm cầu chính TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đường bộ cao tốc: Quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 1.443km; đang thi công 605km, đang chuẩn bị đầu tư cầu Cần Thơ 2 dài 15km. Việc đưa vào khai thác 06 Dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu) ngày hôm nay đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác là 2.268km; trong đó có 04 Dự án đã hoàn thành về đích vượt tiến độ từ 6-9 tháng. Bộ Xây dựng và các địa phương quyết tâm hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu được Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra.

Về hạ tầng hàng không: Nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài... đã và đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, một số công trình tiếp tục được khởi công như: nhà ga T2 Đồng Hới, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao năng lực kết nối trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hôm nay Nhà ga hành khách T3 đạt chuẩn quốc tế, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm cũng đã được hoàn thành để vận hành đồng bộ, hiệu quả, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Về phát triển đô thị và nhà ở: Đến hết năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt 94%; nhà ở đạt diện tích bình quân 26,5 m2 sàn/người. Hàng loạt công trình, dự án đã được tập trung triển khai nhằm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, điển hình như việc đưa vào khai thác, sử dụng các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên; khởi công đường vành đai 3.5 thủ đô Hà Nội, khu đô thị lấn biển Cần Giờ...

Về nhà ở xã hội, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 655 dự án đã được triển khai với quy mô gần 600 nghìn căn hộ và hôm nay, chúng ta tiếp tục chứng kiến Lễ khởi công một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Về phát triển hạ tầng năng lượng: Đã cơ bản hoàn thành các công trình thủy điện công suất trên 100MW; các hồ chứa lớn trên 100 triệu m3. Hiện nay chúng ta đang tập trung phát triển các nguồn điện sạch như nhiệt điện khí, điện tái tạo, điện hạt nhân, nhằm tận dụng tốt hơn lợi thế về địa hình, địa lý của đất nước. Tổng công suất của các nguồn điện tái tạo so với toàn hệ thống phát triển nhanh, tăng từ 15,6% năm 2020 lên đến 27,1% năm 2024, để hướng tới phát thải ròng bằng không theo cam kết của Chính phủ. Hệ thống truyền tải điện cơ bản đã hoàn thành để đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa. Trong đó, hệ thống đường dây 500kV Mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài 519 km đã được thi công và hoàn thành trong thời gian chỉ có 6 tháng.

Riêng tại TPHCM – điểm cầu chính có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, có 6 công trình, dự án được khánh thành, khởi công gồm: Khánh thành Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; khánh thành Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; khởi công hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ; khởi công dự án Vành đai 2 TPHCM (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).

Với dự án trọng điểm khánh thành Nhà ga T3 - điểm cầu trung tâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham gia, chủ trì lễ khánh thành, khởi công các dự án lớn trên cả nước, Cảng theo đó chính thức khai thác các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam (Vietnam Airlines) giữa Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Vân Đồn tại Nhà ga hành khách quốc nội T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất dự kiến trong ngày 19/4 sẽ có 49 chuyến bay (23 chuyến đi, 26 chuyến đến) và 11.961 hành khách (5.523 hành khách đi, 6.438 hành khách đến).

Don san bay
Đón chuyến bay khai trương Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, điểm cầu trung tâm vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ khởi công, khánh thành loạt công trình dự án. Ảnh: ACV

Nhà ga hành khách T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Tầng 3 dành cho khách đi (xe cá nhân, xe thuê, xe taxi, xe khách, xe du lịch); tầng 2 dành cho khách đến (xe cá nhân); tầng 1 dành cho khách đón xe bus, xe khách, xe du lịch, xe taxi, xe công nghệ.

Nhà ga hành khách T3 được biết sử dụng các công nghệ hàng không hiện đại. Đầu tiên là hệ thống ACV Self servies sẽ hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục trên Kiosk check-in dùng chung và hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý, sau đó có thể ra tàu bay tự động thông qua thiết bị E-gate. Mô hình Smart Airport ứng dụng công nghệ sinh trắc học (Biometric) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho dây chuyền làm thủ tục hàng không, giúp hành khách tiết kiệm thời gian, nâng cao trải nghiệm của hành khách khi sử dụng các tiện ích tại Cảng hàng không. Hành khách đi máy bay có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip hoặc định danh điện tử VNeID để làm thủ tục hàng không hoàn toàn tự động cho toàn bộ quá trình từ check-in đến khâu gửi hành lý tự động SBD, qua cửa kiểm soát an ninh, cho đến cửa ra tàu bay Boarding Gate. Nhà ga mới được chuẩn hóa quy trình công nghệ với trang thiết bị hiện đại, mạng viễn thông 5G, hạ tầng số và hệ thống CNTT tại Cảng hàng không đã được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phân tách hệ thống mạng nghiệp vụ Hàng không, phi Hàng không, mạng CCTV và mạng dịch vụ thương mại đáp ứng các tiêu chuẩn cao về an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng. Quy trình toàn trình đi tàu bay bằng ứng dụng sinh trắc học (Biometric) tích hợp xác thực sinh trắc học VNeID. Đây cũng là công trình trọng điểm quốc gia đã hoàn tất vượt tiến độ thi công trước 2 tháng và đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao đơn vị triển khai với tinh thần vượt khó, quyết tâm hoàn thành dự án vượt tiến độ.

Một trong những điểm cầu trực tiếp hòa chung không khí tưng bừng của lễ khởi công các dự án lớn trên cả nước, từ điểm cầu Cần Giờ (TP HCM), lễ khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise với quy mô 2.870 ha và lợi thế sinh thái đặc biệt của Tập đoàn Vingroup, được kỳ vọng tạo nên một siêu đô thị xanh, thông minh phát triển bền vững, trở thành trung tâm tài chính - kinh tế, sánh ngang với các đô thị thế giới.

Anh 2
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise - Siêu đô thị hàng đầu thế giới, một trong 33 dự án, công trình lớn được khởi công trên cả nước ngày 19/4/2025. Ảnh: Vingroup

Đây là dự án có tầm nhìn trở thành khu đô thị ESG hàng đầu thế giới, thể hiện đẳng cấp về ESG của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Vingroup cho biết dự án được phát triển theo mô hình đô thị cấp tiến nhất thế giới hiện nay - ESG (Environmental – Social – Governance) với tôn chỉ hài hòa giữa con người – thiên nhiên – công nghệ, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi thế sinh thái tự nhiên.

Dự án siêu đô thị có có quy mô 2.870ha, trong đó phần lấn biển (theo giấy phép xây dựng hạng mục lấn biển Sở Xây dựng TP.HCM cấp ngày 15/4) là hơn 1.357ha. Bao gồm khu vực san nền là hơn 906ha, hồ nước hơn 450ha có độ sâu đáy hồ trung tâm từ 8 - 12m. Phần kè hồ hạng mục lấn biển có tổng chiều dài 76,67km và phần kè biển hạng mục lấn biển có tổng chiều dài gần 18km. Toàn bộ đô thị được quy hoạch lấy mặt nước sinh thái làm trung tâm, gắn kết công trình đều mở hướng ra biển. Không gian cây xanh mặt nước, không gian xanh từ các công viên lớn len lỏi vào đến từng chân tòa nhà, công trình và không gian ở của người dân. Tổng diện tích đất cây xanh mặt nước và bãi cát là hơn 975ha gồm công viên, vườn hoa, sân vườn, đường đi dạo... Khu trung tâm đô thị sẽ có biển hồ nước mặn nhân tạo rộng khoảng 450ha, cộng với hệ thống kè biển dài gần 18km sẽ tạo ra diện tích bãi tắm rất lớn (được cải tạo sạch đẹp, không còn bùn) cho người dân và du khách.

Tại khu C, mũi Hải Đăng - vị trí được đánh giá có phong cảnh tuyệt đẹp, sẽ xây dựng tháp kiến trúc 108 tầng. Quy hoạch chi tiết 1/500 cũng xác định tính chất dự án là khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, khách sạn...

Dự án tọa lạc tại Cần Giờ, địa phương có vị trí địa lý đặc biệt và tiềm năng to lớn, là cửa ngõ hướng biển của TP.HCM. Khu vực này dễ dàng kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)... bằng những công trình giao thông hiện, đã và đang có chủ trương đầu tư. Các chuyên gia đánh giá dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ ở vị trí rất thuận lợi để định hướng thành trung tâm tài chính - kinh tế, sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Dự án được xác định quy hoạch xu thế chung của thế giới là đô thị phát triển hướng ra biển và đây cũng là mũi nhon, siêu đô thị điểm nhấn lớn nhất TP HCM, mở hướng Cần Giờ để tiến ra biển lớn.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới; là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trong Công điện ngày 7/4 về việc chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Hòa chung trong không khí phấn khởi của cả nước trong ngày lễ lịch sử, Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án quan trọng và các công trình lớn để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới.

Lê Mỹ