Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình "biểu tượng": Minh chứng của niềm tin, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng cộng 80 dự án trên khắp cả nước đồng loạt khởi công và khánh thành chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP HCM đến tất cả các công trình, dự án.
Theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành hôm nay trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải mọi khó khăn, điểm nghẽn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng điểm ngay trong năm 2025 như: Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I; Nhà ga T3 Nội Bài; Sân bay Gia Bình (Bắc Ninh); Trung tâm triển lãm quốc gia Hà Nội; hoàn thành, đưa vào khai thác trên 3.000 km đường bộ cao tốc trải dài trên khắp các vùng miền của đất nước; cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa…; tăng tốc khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, Cao tốc Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cảng biển Hòn Khoai (Cà Mau), Cần Giờ, Liên Chiểu; dự kiến khởi công Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026… Đây là những công trình mang tính chất "xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái" hạ tầng chiến lược của đất nước.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh sự vui mừng chứng kiến Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch; mong muốn điều này sẽ tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự án này trong năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, 80 dự án, công trình được lựa chọn tổ chức khởi công, khánh thành là thành quả và minh chứng của khát vọng phát triển, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Có thể điểm lại một số kết quả tiêu biểu đã đạt được như sau:
Về đường bộ cao tốc: Quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 1.443km; đang thi công 605km, đang chuẩn bị đầu tư cầu Cần Thơ 2 dài 15km. Việc đưa vào khai thác 06 Dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu) đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác là 2.268km; trong đó có 04 Dự án đã hoàn thành về đích vượt tiến độ từ 6-9 tháng. Bộ Xây dựng và các địa phương quyết tâm hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu được Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra.
Về hạ tầng hàng không: nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài... đã và đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, một số công trình tiếp tục được khởi công như: nhà ga T2 Đồng Hới, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao năng lực kết nối trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Nhà ga hành khách T3 đạt chuẩn quốc tế, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm cũng đã được hoàn thành để vận hành đồng bộ, hiệu quả, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Về phát triển đô thị và nhà ở: Đến hết năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt 94%; nhà ở đạt diện tích bình quân 26,5 m2 sàn/người. Hàng loạt công trình, dự án đã được tập trung triển khai nhằm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, điển hình như việc đưa vào khai thác, sử dụng các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên; khởi công đường vành đai 3.5 thủ đô Hà Nội, khu đô thị lấn biển Cần Giờ...

Về nhà ở xã hội, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 655 dự án đã được triển khai với quy mô gần 600 nghìn căn hộ và tiếp tục chứng kiến Lễ khởi công một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Về phát triển hạ tầng năng lượng, đã cơ bản hoàn thành các công trình thủy điện công suất trên 100MW; các hồ chứa lớn trên 100 triệu m3. Hiện nay đang tập trung phát triển các nguồn điện sạch như nhiệt điện khí, điện tái tạo, điện hạt nhân, nhằm tận dụng tốt hơn lợi thế về địa hình, địa lý của đất nước.
Tổng công suất của các nguồn điện tái tạo so với toàn hệ thống phát triển nhanh, tăng từ 15,6% năm 2020 lên đến 27,1% năm 2024, để hướng tới phát thải ròng bằng không theo cam kết của Chính phủ.
Hệ thống truyền tải điện cơ bản đã hoàn thành để đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa. Trong đó, hệ thống đường dây 500kV Mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài 519 km đã được thi công và hoàn thành trong thời gian chỉ có 6 tháng.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “trong những lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, ngành Xây dựng xác định phải quyết tâm hoàn thành đồng bộ và đúng hạn hoặc hơn nữa là vượt tiến độ các dự án vì đó là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, Bộ Xây dựng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, và đôn đốc triển khai. Thời gian qua, trên công trường các dự án, hàng ngàn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày đêm, vì tình yêu đất nước, yêu nghề mà vượt qua sự khắc nghiệt của môi trường lao động, sự xa cách người thân, kể cả những ngày lễ, tết.
Hưởng ứng Phong trào thi đua "500 ngày đêm hoàn thành mục tiêu 3000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ Xây dựng đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các đơn vị phấn đấu, quyết tâm cao, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn về vật liệu, thời tiết, làm việc không kể ngày đêm, thi công “3 ca 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công xuyên Lễ, xuyên Tết; huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc; thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để hoàn thành và đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việc khởi công, khánh thành các công trình, dự án hôm nay có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong kết nối nội tỉnh, nội vùng; liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, liên quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. Với tinh thần “đã cố gắng thì càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm thì càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả rồi thì càng hiệu quả hơn nữa” để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề ra các yêu cầu trong triển khai tổ chức thực hiện thời gian tới:
Đối với các công trình, dự án khánh thành ngày hôm nay: Các Bộ ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với các công trình, dự án khởi công ngày hôm nay: Chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư; Các địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh các thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu.
Quá trình triển khai dự án, đề nghị thực hiện “3 có, 2 không”, trong đó “3 có” là có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi của doanh nghiệp; “2 không” không tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của Nhân dân.
Các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu hiện thực hóa chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030; cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 để mọi người dân đều được hưởng niềm vui có nhà, có chỗ ở ổn định, khang trang, an cư lạc nghiệp sau 80 năm độc lập của dân tộc.
“Tôi kêu gọi, mỗi cá nhân, mỗi chủ thể tham gia dự án luôn nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa là với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và môi trường, với tinh thần “tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước”.