24h

Hỏa tốc hậu kiểm: Mệnh lệnh không khoan nhượng từ Chính phủ

Gia Linh 20/04/2025 00:30

Liên tiếp hai công điện hỏa tốc cho thấy Chính phủ không còn chấp nhận kiểu hậu kiểm hình thức – mà là cuộc tổng lực dẹp bỏ hàng giả, hàng gian…

Chỉ trong vòng hai ngày, lần lượt Công điện số 41/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 2755/CĐ-BCT của Bộ Công Thương được ban hành. Hai văn bản chỉ đạo cùng nhắm đến một vấn đề tưởng chừng không mới nhưng đang đặt ra thách thức nghiêm trọng: hàng giả, hàng gian trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc và sữa bột.

Không còn vùng trũng hậu kiểm

hoa-toc-hau-kiem-menh-lenh-khong-khoan-nhuong-tu-chinh-phu-1.png
Một sản phẩm sữa được quảng cáo rầm rộ của Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Ảnh chụp màn hình.

Tiếp nối nhiều chỉ đạo trước đây, lần này, mệnh lệnh được thể hiện rõ nét hơn ở tính khẩn cấp, toàn diện và yêu cầu triển khai thực tế đến từng cấp địa phương. Từ công tác giám sát thị trường, hậu kiểm sản phẩm cho tới việc rà soát hoạt động thương mại điện tử, mạng xã hội, các cơ quan chức năng được yêu cầu phải vào cuộc đồng bộ, chủ động và dứt khoát.

Động thái này xuất phát từ thực tế: trong thời gian qua, nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân đã bị phát hiện là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn có thể lưu thông nhờ các kẽ hở trong khâu hậu kiểm. Sản phẩm được tự công bố, hợp thức hóa về giấy tờ, sau đó phân phối rộng rãi mà không qua quy trình kiểm nghiệm thực chất.

Đằng sau mỗi vụ việc bị phanh phui là niềm tin xã hội bị tổn thương. Người tiêu dùng không còn biết dựa vào đâu để phân biệt thật – giả. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất chân chính thì lại bị đẩy vào thế yếu, phải cạnh tranh với những đơn vị không mất chi phí kiểm nghiệm, không đầu tư chất lượng nhưng vẫn có thể ngang nhiên lên kệ, lên sóng livestream.

Thực tế quản lý thời gian qua cũng cho thấy vẫn còn những điểm nghẽn trong phối hợp, khiến việc kiểm tra, xử lý chưa kịp thời ở một số địa phương. Công điện lần này đặt lại rõ ràng trách nhiệm, để không còn vùng xám trong hậu kiểm, nơi mà hàng gian có thể len lỏi dưới lớp vỏ hợp pháp hóa.

Từ mệnh lệnh đến hành động: phép thử cải cách

Chính phủ đang đứng trước một bài toán không đơn giản: làm sao siết chặt quản lý nhưng không gây ách tắc sản xuất, bảo vệ người dân mà vẫn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Điều đáng nói là vấn đề không còn chỉ nằm ở quy định pháp luật, mà nằm ở khâu thực thi và năng lực giám sát.

Khung pháp lý hiện hành về an toàn thực phẩm, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có nền tảng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh ngày càng số hóa, tốc độ phân phối và tiếp thị vượt xa tốc độ kiểm tra truyền thống. Nếu cơ chế hậu kiểm không theo kịp, không kịp thời, thì rất dễ bị biến thành lá chắn hình thức cho các hành vi gian dối.

Công điện 2755/CĐ-BCT đã thể hiện quyết tâm thay đổi điều đó. Nội dung văn bản không chỉ dừng ở chỉ đạo chung, mà nêu rõ các đầu việc cụ thể: kiểm tra việc tự công bố sản phẩm, lấy mẫu hậu kiểm, siết chặt kiểm tra các kênh phân phối phi truyền thống như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Việc chỉ đạo thực hiện đồng thời ở cả các Sở Công Thương địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và chính quyền cấp tỉnh cũng cho thấy yêu cầu cao về trách nhiệm và tính phối hợp.

hoa-toc-hau-kiem-menh-lenh-khong-khoan-nhuong-tu-chinh-phu-3.png
Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La

Bình luận với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La – nhận định rằng, đây là cơ hội quan trọng để thiết lập lại kỷ cương trong công tác hậu kiểm. Theo ông, cần rà soát và tăng cường chế tài với những hành vi lợi dụng cơ chế tự công bố để đưa hàng không đạt chuẩn ra thị trường. Đồng thời, cần xác lập rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm kéo dài tại địa phương mình quản lý. “Muốn khôi phục niềm tin, không chỉ cần siết luật, mà còn phải đảm bảo luật được thực thi công bằng, minh bạch và đến tận nơi phát sinh rủi ro”, ông Biên nhấn mạnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, những công điện hỏa tốc đang tạo ra bước chuyển về tư duy quản lý: từ bị động phản ứng sang chủ động kiểm soát. Từ việc xử lý trên giấy tờ sang yêu cầu giám sát thực tế, liên thông dữ liệu, phối hợp giữa các cấp. Đây không chỉ là hành động ứng phó tức thời, mà còn là phép thử cho quyết tâm cải cách hệ thống giám sát thị trường.

Niềm tin của người dân không thể được phục hồi bằng những khẩu hiệu. Nó cần được khôi phục bằng hành động thực chất, bằng các vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn, bằng những sản phẩm sạch thật sự trở lại thị trường. Khi Chính phủ ra mệnh lệnh và hệ thống thực thi thật sự làm việc thì thị trường sẽ không còn là “miền đất hứa” cho hàng giả, mà là nơi công bằng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm thật.

Gia Linh