Kinh tế vĩ mô

Vành đai 2 TP HCM: Tập trung GPMB và chủ động nguồn VLXD để triển khai dự án

Bài và Ảnh: Hương Giang 20/04/2025 03:50

Rút kinh kiệm từ dự án đường vành đai 3, TP HCM, các địa phương và như chủ đầu tư... đã tập trung GPMB và chủ động nguồn VLXD để đảm bảo triển khai dự án Vành đai 2 TP HCM về đúng địch.

Đó là chia sẻ của ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP), với PV Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh công tác chuẩn bị nguồn VLXD triển khai dự án Vành đai 2, TP HCM.

Vành đai 2
Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh, (đoạn 1, đoạn 2) là dự án giao thông trọng điểm của Thành phố, được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại các Quyết định số 916/UBND-QĐ và số 917/UBND-QĐ ngày 11 tháng 03 năm 2025.

Dự án đường Vành đai 2 TP HCM đã chính thức khởi công (19/4/2025). Song vấn đề GPMB luôn là áp lực với chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Vậy, công tác phối hợp của TCIP như thế nào với các địa phương nhằm đảm bảo dự án thi công thông suốt, thưa ông?

Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh, (đoạn 1, đoạn 2) là dự án giao thông trọng điểm của Thành phố, được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại các Quyết định số 916/UBND-QĐ và số 917/UBND-QĐ ngày 11 tháng 03 năm 2025. Dự án có quy mô tổng chiều dài 6 km.Trong đó, Đoạn 1 có chiều dài tuyến khoảng 3,578 km, từ điểm giao đường D2 trước cầu Phú Hữu đến Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội. Đoạn 2 có chiều dài tuyến khoảng 2,446 km, từ Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội đến Nút giao đường Phạm Văn Đồng.

Cụ thể, Dự án có mục tiêu xây dựng đoạn 1, đoạn 2 của tuyến đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức với tổng chiều dài 6 km. Khi hoàn thành, đoạn 1 và đoạn 2 của đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết nối với đoạn 3 đang được Nhà đầu tư thực hiện để khép kín đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông Thành phố.

Trong đó, tổng mức đầu tư về xây lắp Giai đoạn 1 của đoạn 1, đoạn 2 là 5.239 tỷ đồng. Công tác Bồi thường giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 8.627 tỷ đồng với quy mô 1154 trường hợp phải Bồi thường giải phóng mặt bằng, có 62 ha đất cần phải thu hồi và do Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức làm Chủ đầu tư dự án. Do đó, công tác GPMB sẽ là nhiệm vụ trong tâm được TCIP bám sát, thường xuyên phối với các địa phương có người dân bị ảnh hưởng bởi dự án để đẩy nhanh công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng theo đúng cam kết.

Cùng với công tác Bồi thường giải phóng mặt bằng, Dự án cũng tiến hành các công tác Di dời hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn theo hiện trạng. Và hiện dự án đang thực hiện gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn. Đặc biệt, ngay sau khi dự án khởi công, các nhà thầu sẽ bắt tay vào triển khai nhanh để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Vành đai
Dự án Vành đai 2 TP HCM có quy mô tổng chiều dài 6 km.Trong đó, Đoạn 1 có chiều dài tuyến khoảng 3,578 km, từ điểm giao đường D2 trước cầu Phú Hữu đến Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội. Đoạn 2 có chiều dài tuyến khoảng 2,446 km, từ Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội đến Nút giao đường Phạm Văn Đồng.

Để bắt tay vào việc ngay sau khi khởi công và nhằm đảm bảo tiến độ dự án thì công tác chuẩn bị nguồn lực được TCIP xử lý như thế nào, thưa ông?

Ngay sau khi Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Chủ đầu tư Dự án - TCIP) đã khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông công chánh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cùng các Sở ngành đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị để có thể Khởi công Gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn của Dự án từ ngày 19/4/2025.

Cùng với việc triển khai Gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn, TCIP cũng đang tập trung cùng với các đơn vị Tư vấn triển khai công tác Thiết kế, dự toán, lựa chọn các Nhà thầu xây lắp để có thể khởi công các gói thầu xây lắp vào tháng 9/2025 và phấn đấu hoàn thành thông xe toàn bộ công trình vào ngày 30 tháng 4 năm 2027.

“Để đạt được các mục tiêu trên, bên cạnh việc liên tục cố gắng, không ngừng đẩy nhanh tiến độ triển khai, TCIP rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức, Sở Giao thông công chánh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan để có thể hoàn thành công tác Bồi thường giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, di dời hạ tầng kỹ thuật đúng theo tiến độ đề ra”.

Song song đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh, TCIP đã cùng với các đơn vị Tư vấn, Nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Xây dựng nút giao thông An Phú, xây dựng Nút giao thông Mỹ Thủy, nâng cấp cải tạo đường Lương Định Của, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chuẩn bị đầu tư các Dự án: Nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, xây dựng đường vào cảng Cát Lái – Phú Hữu, mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây,… để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cảng Cát Lái và cửa ngõ phía Đông Thành phố trong thời gian tới.

Áp lực về nguồn VLXD triển khai dự án cũng là những thách thức không nhỏ đối với chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Vậy vấn đề này được TCIP quan tâm ra sao, thưa ông?

Đúng vậy, rút kinh nghiệm từ dự án vành đai 3, hiện nay TP HCM và các địa phương cũng như chủ đầu tự đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để chủ động nguồn VLXD cho dự án. Trong đó, nguồn vật liệu san lấp (cát), UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở ngành làm việc với lãnh đạo các tỉnh các tỉnh miền Tây hỗ trợ, rà soát các mỏ cát để cấp phép, phục vụ cho dự án. Đối với nguồn đất san lấp và đá xây dựng, TP HCM cũng đã liên hệ và phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đề xuất rút ngắn thủ tục cấp mỏ theo cơ chế đặc thù nhằm đáp ứng nguồn VLXD phục vụ cho dự án và vấn đề này được các địa phương cam kết và thống nhất cao. Do đó, dự án chắc chắn sẽ đảm bảo đúng tiến độ đề ra để đưa vào khai thác hiệu quả. Sở dĩ, Dự án vành đai 2 có tầm quan trọng trong việc kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa và giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực đô thị trung tâm hiện hữu, kết nối với đô thị vệ tinh của khu vực TP HCM, các đầu mối giao thông lớn. Khi hoàn thành, dự án sẽ áp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông TP nói riêng và TP HCM nói chung.

Đặc biệt, khi dự án hoàn thành thì đoạn 1 và đoạn 2 của đường Vành đai 2 TP HCM sẽ kết nối với đoạn 3 đang được nhà đầu tư thực hiện, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông. Và với việc thông xe dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Dự án có mục tiêu giúp hình thành một trục giao thông đô thị mới kết nối trực tiếp với nhà ga hành khách T3 và mạng lưới giao thông trong khu vực, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất và các khu vực lân cận.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài và Ảnh: Hương Giang