Nhiều quốc gia ASEAN đa dạng hóa thương mại để giảm phụ thuộc vào Mỹ
Nhiều quốc gia ASEAN đã bắt đầu chuẩn bị cho những thay đổi sâu sắc trong cục diện thương mại toàn cầu, nhằm tránh tác động của thuế quan Mỹ.

Trong khi các công ty Mỹ vẫn duy trì chuỗi cung ứng tại ASEAN, các nền kinh tế trong khu vực vẫn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Theo các diễn giả tham dự hội thảo trực tuyến do Viện ISEAS-Yusof Ishak tổ chức, mặc dù Singapore có thể không bị nhắm đến bởi các mức thuế cao hơn, nhưng rủi ro thực sự đối với quốc đảo phụ thuộc vào thương mại này là việc các hành động thương mại của Mỹ đang ngày càng bị chính trị hóa và thiếu nhất quán, từ đó tái định hình môi trường toàn cầu.
Cụ thể, bà Parisha Saimbi, chiến lược gia về thị trường ngoại hối và nội địa khu vực châu Á của BNP Paribas, đã chia sẻ kết quả khảo sát được thực hiện trước khi ông Trump công bố trì hoãn 90 ngày áp dụng thuế hôm 9/4.
Khảo sát đã tiến hành phỏng vấn các tập đoàn toàn cầu về cách họ dự định ứng phó với các mức thuế mới. Phản ứng phổ biến nhất, được khoảng 60% lựa chọn, là tăng giá bán và chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng Mỹ.
Phản ứng phổ biến thứ hai là tìm kiếm thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.
Trong số các công ty Mỹ tham gia khảo sát, phần lớn cho biết họ không có ý định đưa sản xuất về nước hoặc thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại. “Điều này cho thấy Mỹ vẫn có khả năng duy trì hiện trạng – tiếp tục nhập khẩu từ khu vực ASEAN và Trung Quốc trong khả năng có thể,” bà Parisha nhận định.
Đồng quan điểm, ông Richard Burn, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn toàn cầu APCO nhận định rằng, trong trung hạn, các nhà xuất khẩu trong khu vực nên hướng đến sự đa dạng hóa.
Chuyên gia Parisha khuyến nghị các doanh nghiệp có trụ sở tại ASEAN nên chủ động tìm kiếm thị trường ngoài Mỹ, đồng thời cảnh báo về khả năng có sự chuyển dịch dài hạn trong chính sách thương mại toàn cầu.
Bà cũng cho rằng các quốc gia ASEAN nên coi đây là cơ hội chiến lược để tận dụng quy mô tiêu dùng trong khu vực, vốn đóng góp 40% vào tăng trưởng toàn cầu nhằm giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Ông Burn cũng lưu ý thêm Trung Quốc đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vượt ra ngoài Mỹ, bao gồm cả ASEAN và nỗ lực này hiện đang được tăng tốc.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng mặc dù Singapore hiện chỉ chịu mức thuế cơ bản 10%, điều đáng lo ngại hơn là cách các biện pháp thương mại đang trở nên chính trị hóa và khó lường, từ đó tái cấu trúc hệ thống toàn cầu.
Ông Jayant Menon, nghiên cứu viên cấp cao cho biết: "Singapore đã nhận thức được việc cần phải có lập trường mạnh mẽ vì đây có thể chưa phải là hồi kết của làn sóng áp lực từ Washington”.
“Mọi điều bạn nghe hôm nay có thể thay đổi chỉ trong một giờ hoặc một ngày,” ông nói.
Tiến sĩ Deborah Elms, Trưởng ban chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich (Singapore), chỉ ra rằng thuế đối với hàng điện tử đã bất ngờ được dỡ bỏ vào thứ Sáu tuần trước, nhưng chỉ hai ngày sau lại được áp dụng trở lại dưới danh mục chất bán dẫn mới.
"Sự bất ổn như vậy làm giảm niềm tin kinh doanh. Mức thuế mới đã khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia tạm hoãn các quyết định đầu tư", Tiến sĩ Luna Ge Lai nghiên cứu viên tại Viện Các vấn đề Quốc tế, Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông nói.
Ông Hal Hill, giáo sư danh dự ngành kinh tế học tại Đại học Quốc gia Úc, chỉ trích cách tiếp cận “tổng bằng không” trong thương mại của chính quyền Trump. Chuyên gia này cho rằng: “Chúng ta đang tiến hành những thỏa thuận kiểu bất động sản, chứ không dựa trên lợi ích thực sự của nền kinh tế toàn cầu.”
Những diễn biến gần đây cho thấy môi trường thương mại toàn cầu đang bước vào giai đoạn biến động kéo dài, trong đó các yếu tố chính trị và địa chính trị ngày càng chi phối các quyết định kinh tế.
Với đặc thù là nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, theo nhiều chuyên gia, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy việc đa dạng hóa thị trường. Đây không chỉ là phản ứng trước các biện pháp thuế quan ngắn hạn, mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng khả năng chống chịu trong dài hạn. Bên cạnh đó, hội nhập nội khối, phát triển thị trường chung và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực nhằm giảm thiểu rủi ro từ các cú sốc bên ngoài là những bước đi cần thiết.