Cẩn trọng rủi ro tỷ giá
Dù đồng USD sụt giảm trên thị trường quốc tế, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ tỷ giá trong biên độ mất giá ở mức “chấp nhận được” nhằm đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu.

Tỷ giá còn neo ở vùng cao và được dự báo sẽ còn tăng, nên các doanh nghiệp có thể phác thảo kịch bản diễn biến của tỷ giá để chủ động hơn trong kinh doanh, phòng tránh các biến động khách quan khi giao dịch thanh toán và vay nợ ngoại tệ.
USD “lao dốc”
USD Index (DXY) liên tục sụt giảm mạnh và giao dịch quanh mốc 99,59 trong ngày 14/4. Theo đó, DXY đã mất khoảng hơn 4,2% kể từ ngày 2/4, khi chính sách thuế quan đối ứng với 180 quốc gia được chính quyền Tổng thống Trump công bố.
Đồng USD mất giá không chỉ phản ánh khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất nhanh và nhiều hơn so với lộ trình mà Dot Plot dự kiến (2 lần) tại cuộc họp gần nhất, mà còn cho thấy nỗi lo về tác động thuế quan đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái và niềm tin của nhà đầu tư với biểu tượng sức mạnh kinh tế Mỹ - đồng USD. Trước đó, DXY đã có xu hướng giảm từ mức cao nhất trong hơn hai năm là 109,53 vào đầu tháng 1/2025 xuống mức 103,79 vào giữa tháng 3/2025.
Mặc dù các nhà đầu tư quốc tế hiện đang có xu hướng dịch chuyển trú ẩn vào đồng JPY và CHF, tránh rủi ro về khả năng chủ nợ lớn bán trái phiếu Chính phủ Mỹ và chuyển đổi sang đồng tiền khác hoặc bán USD, nhưng thị trường vẫn đang chờ đợi những thỏa thuận đàm phán thuế quan có tác động lớn với kinh tế Mỹ và các chủ nợ trong thời gian tới. Tác động ngắn hạn và nóng bỏng của giá vàng cũng khiến tăng áp lực giảm giá lên đồng USD.
Lý do tỷ giá vẫn “ổn định”
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tại Sở Giao dịch NHNN vẫn điều chỉnh linh hoạt. Theo đó, tỷ giá được các NHTM niêm yết bán ra vẫn trên ngưỡng cao 26.000 VND/USD. Động thái sẵn sàng giữ biên độ tỷ giá trượt cao nhất định để giảm bớt áp lực chính sách cho hướng hỗ trợ lãi suất và đạt đa mục tiêu: ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và duy trì dự trữ ngoại hối an toàn của NHNN là rất rõ ràng.
Một số biến số từ bên ngoài lẫn nội tại khiến chính sách điều hành với cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường quốc tế (đặc biệt là USD Index, chính sách FED, PBoC) của NHNN được dự báo sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới:
Thứ nhất, việc đồng USD giữ mức giảm ở đáy sâu kể từ năm 2022, đang được áp dụng hiện nay, sẽ kéo dài trong bao lâu? Giới chuyên môn lưu ý các thông tin về chính sách thuế quan, bao gồm miễn trừ cho 1 số trong nhóm điện tử công nghệ (điện thoại, laptop, chip...) mới chỉ có tác động tích cực ban đầu. Chính quyền Trump công bố sẽ có chính sách thuế khác cho nhóm này. Bên cạnh đó, một trong những thông điệp “MAGA” của ông Trump đồng nghĩa là khẳng định sức mạnh vị thế của đồng USD. Do đó, về tầm nhìn, tác động và có thể cả khả năng Mỹ chấp nhận lạm phát cao dẫn đến kịch bản hạ lãi suất không như kỳ vọng, đều là các yếu tố thay đổi sức mạnh đồng USD. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quan điểm NHNN thực hiện chính sách điều hành ngoại hối linh hoạt nhưng chủ động, vì vậy hoàn toàn phù hợp.
Thứ hai, đặt trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu (và cả triển vọng FDI) được kỳ vọng cao song lưu ý có rủi ro, NHNN sẽ luôn giữ ổn định kỳ vọng thị trường. Nếu FED cắt giảm lãi suất, NHNN có thể cân nhắc giảm lãi suất nội tệ có chọn lọc để hỗ trợ tăng trưởng. Ông Chua Hak Bink, Chuyên gia kinh tế trưởng Maybank Group kỳ vọng NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành như hiện tại và có thể tính tới giảm 25 điểm cơ bản nếu có điều kiện này. Tương tự, đây cũng là quan điểm của các chuyên gia của Tập đoàn UOB Singapore. Các chuyên gia từ các định chế này cũng dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng cao trong quý II và quý III năm nay, sau đó mới dần hạ nhiệt và trở lại trong dải biên độ thấp của +/-5% vào cuối năm nay.
“Đệm chống sốc” cho tương lai
Những dự báo cho thấy cùng “nhiệm vụ” duy trì chênh lệch lãi suất VND-USD dương để giữ dòng vốn đầu tư, nhà điều hành sẽ phải “cân đo đong đếm” dư địa cho hỗ trợ lãi suất. Một số biện pháp ngoài thay đổi lãi suất điều hành cơ bản đã được Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, như: Đặt vấn đề tiết giảm chi phí tại 4 NHTM nhà nước để từ đó giảm lãi suất cho vay. Khi đó, các NHTMCP sẽ phải giảm theo xu hướng mặt bằng chung của thị trường. Đồng thời, NHNN yêu cầu phải luôn luôn công khai minh bạch lãi suất cho vay doanh nghiệp lựa chọn.
Trong bối cảnh hội nhập tài chính toàn cầu và áp lực cần tránh bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ, chuyên gia UOB cũng nhấn mạnh với DĐDN, NHNN sẽ không cố tình giảm tỷ giá, thay vào đó sẽ giữ tỷ giá ổn định – không tăng quá mạnh hoặc giảm quá sâu. Trong những ngày gần đây, đồng NDT phá giá cũng đang tạo áp lực giảm giá VND để duy trì cạnh tranh xuất khẩu. Song nếu định hướng điều hành không để tỷ giá phản ánh cung – cầu thị trường, rất có thể các biện pháp điều chỉnh sẽ bị rơi vào “can thiệp" có chủ đích". Do đó, NHNN chỉ can thiệp có chọn lọc khi thị trường biến động mạnh nhằm tránh tâm lý, giảm sốc tỷ giá, tránh “đô la hóa”. Cùng với đó là tăng dự trữ ngoại hối một cách chủ động để giữ vai trò “đệm chống sốc” cho tương lai khi USD tăng giá hay dòng vốn rút ra.