Tìm động lực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đà Nẵng
Sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics đã có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và Đà Nẵng đang tìm thêm phương án để hỗ trợ doanh nghiệp.
Sự phát triển của doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng. Vì vậy, địa phương cũng đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ để tiếp thêm động lực cho các đơn vị, từ đó doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics tại Đà Nẵng lại đối mặt với những ảnh hưởng trước các biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới. Đặc biệt là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, dù đã có thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam nhưng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Theo ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, thời gian qua địa phương đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics. Theo đó, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và là năm khởi đầu cho kế hoạch giai đoạn mới 2026-2030 nên Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhằm đóng góp vào sự phát triển chung.
“Địa phương sẽ chỉ đạo giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng, hạ tầng logistics, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động khai thác các thị trường truyền thống, chú trọng phát triển các thị trường ngách, thị trường xuất khẩu mới để bù đắp phần sụt giảm đơn đặt hàng và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại hệ thống sản xuất,... và đạt được các chứng nhận chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu”, ông Cường khuyến nghị.
Được biết, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Đà Nẵng năm 2024 đạt 3,2 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,9 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 1,3 tỉ USD.
Hiện tại, Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn gồm Đông Bắc Á khoảng 46%, châu Mỹ 25%, EU 15 %, Đông Nam Á 5% và một số nước có tỉ trọng xuất khẩu lớn như Nhật Bản chiếm khoảng 35%, Hoa Kỳ khoảng 20%,...

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics Đà Nẵng vừa tổ chức, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận quy mô doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng còn nhỏ, khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế cũng như số lượng mặt hàng, sự đa dạng ngành hàng còn hạn chế. Cũng theo vị này, tỷ lệ tận dụng thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng chưa cao, còn nhiều dư địa tận dụng.
“Đối với lĩnh vực logistics, Đà Nẵng được coi là địa bàn trọng điểm, trung tâm của khu vực miền Trung, thừa hưởng lợi thế từ cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng, cơ chế đặc thù thành lập Khu thương mại tự do (TMTD),... nhưng hiện tại Đà Nẵng vẫn thiếu vắng những trung tâm logistics quy mô lớn và có mức độ hiện đại hoá cao, có sự tích hợp của nhiều ngành hàng. Còn thiếu các dịch vụ giá trị gia tăng, như logistics phục vụ cho hàng thương mại điện tử, phục vụ cho hàng hoá giá trị cao”, ông Hải nói.
Theo đánh giá của vị này, Đà Nẵng có đủ các loại hình, phương thức vận tải nhưng sự kết nối chưa lớn, khả năng và hiệu quả khai thác chưa cao. Nói về Khu TMTD, ông Hải cho rằng thời điểm hiện nay đã khác so với khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 136 (tháng 6/2024) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, Trung ương đã có chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam với TP. Đà Nẵng nhằm một trong những mục tiêu lớn nhất là mở rộng không gian phát triển kinh tế. Từ việc sáp nhập đã tạo nên một lợi thế rất lớn, vì vậy ông Hải nêu vấn đề Đà Nẵng nên xem xét và có những điều chỉnh kịp thời theo tình hình mới.
“Ví dụ như Khu TMTD có nhất thiết phải đặt ở khu vực Đà Nẵng hiện nay hay không? Hoặc phát triển Khu TMTD ở khu vực hiện đã hình thành KCN Chu Lai gắn với cảng Chu Lai và sân bay Chu Lai”, ông Hải nêu.
Với nhiều lợi thế, ông Hải đề xuất Đà Nẵng cần có phương án phát triển bứt phá, cùng với đó là tận dụng sự phối hợp của chính quyền, doanh nghiệp và nhà đầu tư để đưa lĩnh vực logistics phát triển. Nếu không sớm thực hiện, Đà Nẵng rất dễ trở thành chậm chân, không phát huy được lợi thế của việc sáp nhập.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng đề nghị địa phương cần tăng cường các chương trình xúc tiến xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương cũng ít tham gia. Theo vị này, nguồn lực của các doanh nghiệp còn hạn chế nên không thể bỏ nhiều chi phí cho công tác xúc tiến thương mại.
“Các doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục tăng thêm nguồn lực cho các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư công, sớm đưa vào hoạt động cảng Liên Chiểu để thu hút các hãng tàu hàng lớn, thu hút luồng hàng tới Đà Nẵng”, ông Bình đề xuất.