“Đại bàng” Mỹ và niềm tin vào Việt Nam
Sự hiện diện ngày càng lớn của các “đại bàng” Mỹ cho thấy sức hút đầu tư và khẳng định tiềm năng vươn lên của kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn với những làn sóng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đáng chú ý, các tập đoàn lớn từ Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, vẫn bền bỉ chọn Việt Nam làm nơi “hạ cánh”, mở rộng sản xuất, phát triển dài hạn. Sự hiện diện ngày càng sâu rộng của các “đại bàng” Mỹ tại Việt Nam là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư trong nước, đồng thời là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế, tiềm năng của một nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ.

Niềm tin từ những tên tuổi lớn
Không phải ngẫu nhiên mà Warburg Pincus, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý lên đến hơn 83 tỷ USD, lại kiên trì rót vốn vào Việt Nam từ năm 2013 đến nay với tổng số vốn ước tính hơn 2 tỷ USD. Hành trình đầu tư của Warburg Pincus không chỉ đơn thuần là bài toán sinh lời, mà còn là sự gắn bó chiến lược với tầm nhìn dài hạn về tiềm năng thị trường, sự ổn định chính trị và cam kết cải cách không ngừng từ phía Chính phủ Việt Nam.
Sự kiện ông Jeffrey Perlman - Tổng Giám đốc Warburg Pincus, đồng thời là Đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), có cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính cách đây vài ngày là minh chứng khẳng định Việt Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư toàn cầu của Mỹ. Không dừng lại ở các dự án bất động sản hay tài chính, mới đây Warburg Pincus còn cùng đối tác đề xuất xây dựng tuyến cao tốc nối sân bay Long Thành tới Hồ Tràm với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 17.000 tỉ đồng. Điều đó cho thấy sự chuyển dịch từ đầu tư thương mại thuần túy sang đầu tư hạ tầng chiến lược, lĩnh vực thường được cân nhắc kỹ lưỡng về ổn định vĩ mô, hành lang pháp lý và khả năng sinh lời bền vững.
Cùng lúc, nhiều “ông lớn” khác như Apple, Intel, Coca-Cola, Nike, Amazon, Bell Textron, Boeing… thông qua phái đoàn USABC quy mô nhất từ trước đến nay cũng đến Việt Nam, mang theo không chỉ là vốn đầu tư mà còn là tri thức, công nghệ, tiêu chuẩn quốc tế và những kỳ vọng về hợp tác toàn diện.
Trong số những dự án gây chú ý gần đây, không thể không nhắc đến khu phức hợp đô thị, du lịch, thể thao và sân golf cao cấp tại tỉnh Hưng Yên trị giá 1,5 tỷ USD của Trump Organization. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, đây không chỉ là một dự án đầu tư bất động sản đơn lẻ, mà nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của tập đoàn và gắn với mục tiêu phục vụ APEC 2027. Việc một tập đoàn mang thương hiệu gia đình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Việt Nam là điểm đến mở rộng đầu tiên tại Đông Á không đơn thuần là yếu tố kinh tế, mà còn là yếu tố chính trị - ngoại giao giữa hai nước đang phát triển theo hướng tích cực, ổn định và mang tính chiến lược.
Không những vậy, theo đại diện Trump Organization, dự án thứ hai tại Việt Nam có thể được công bố ngay trong năm nay, đánh dấu bước ngoặt trong làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân Mỹ.
Lợi thế không nằm ở quy mô mà ở chiến lược
Không chỉ có ưu thế về vị trí địa lý, nhân lực trẻ, chi phí cạnh tranh hay thị trường 100 triệu dân đầy tiềm năng, Việt Nam còn đang cho thấy khả năng đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Kenneth Tse - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam, nhà đầu tư Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã nhiều lần khẳng định vai trò không thể thay thế của nhà máy tại TP.HCM trong bản đồ sản xuất toàn cầu của tập đoàn. Dù đối mặt với biến động kinh tế, Intel vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc hậu Covid-19 và dưới áp lực địa chính trị, Việt Nam có cơ hội “vàng” để thay thế một phần vai trò của Trung Quốc trong sản xuất hàng hóa cho thị trường Mỹ. Như TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong nhấn mạnh, nếu Việt Nam và Mỹ đạt được những thỏa thuận đàm phán về thuế quan, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, nông sản, thì cơ hội FDI từ Mỹ sẽ còn mở rộng mạnh mẽ.
Việt Nam không phải là quốc gia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, cũng không sở hữu nhiều tài nguyên đặc biệt. Nhưng Việt Nam có chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, có lực lượng lao động trẻ, có tốc độ chuyển đổi số nhanh và đặc biệt là quyết tâm chính trị rất mạnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, điện gió, năng lượng sạch… đều đã và đang được ưu tiên, không chỉ về chính sách mà còn qua sự chỉ đạo điều hành quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Việt Nam cũng chủ động nhập khẩu nhóm hàng năng lượng như khí hóa lỏng, mặt hàng Mỹ có thế mạnh, để tạo nên sự tương hỗ chiến lược trong cán cân thương mại hai chiều. Đồng thời, nước ta cũng đặt mục tiêu gia tăng xuất khẩu những nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, không ngừng nâng tỉ lệ nội địa hóa và thu hút các “đại bàng” tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ.
Trong xu thế toàn cầu hóa và cạnh tranh chiến lược, việc được các tập đoàn hàng đầu thế giới lựa chọn không chỉ đơn thuần là may mắn, đó là kết quả của một chiến lược dài hơi, sự ổn định chính trị, cải cách liên tục và tầm nhìn hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đã xây dựng qua nhiều năm. Như nhận định của PGS-TS Nguyễn Quốc Việt, chính sự kết nối khu vực, đặc biệt trong khối ASEAN, cùng vị trí địa chính trị đắc địa sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến “không thể thiếu” trong bất kỳ chuỗi sản xuất toàn cầu nào.
Sự lựa chọn của các doanh nghiệp Mỹ không còn dừng lại ở việc tìm một nơi sản xuất rẻ, mà là tìm một đối tác đáng tin cậy, một thị trường năng động có tầm nhìn chiến lược. Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những yếu tố đó. Các “đại bàng” Mỹ, bằng chính hành động và dòng vốn của mình, đang chứng minh rằng niềm tin vào Việt Nam là có cơ sở và dài hạn.
Và trong bức tranh toàn cầu nhiều gam màu xám, việc Việt Nam được chọn là nơi đầu tư, phát triển, hợp tác lâu dài của những tập đoàn tên tuổi thế giới chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức hút nội lực, cho vị thế đang lên của một quốc gia biết mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì để vươn lên mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam không chỉ là nơi đến, mà đang dần trở thành điểm tựa cho các kế hoạch chiến lược dài hơi của giới đầu tư quốc tế. Và đó chính là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá trong thập niên tới.