Phân tích - Bình luận

Vì sao FED không "tuân lệnh" ông Trump?

Trương Khắc Trà 21/04/2025 04:05

Chủ tịch FED đã hai lần khước từ đề nghị giảm lãi suất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ tịch FED Jerome Powell (Ảnh Fotune)
Chủ tịch FED Jerome Powell (Ảnh Fotune)

Cho đến nay, tất các dự báo về lộ trình giảm lãi suất đồng USD của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong năm 2025 và 2026 đều trật đường ray. Nguyên nhân chủ yếu do cuộc bầu cử cuối năm 2024 đã đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Tựu trung lại, hàng loạt chính sách phục vụ mục tiêu “nước Mỹ trên hết” gây áp lực trầm trọng lên triển vọng kinh tế, đặc biệt chính sách thuế quan làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, trực tiếp khiến giá cả hàng hóa tại Hoa Kỳ tăng lên.

Trong tuần lễ tồi tệ của chứng khoán Hoa Kỳ, ông Trump yêu cầu FED cắt giảm lãi suất nhưng Chủ tịch Jerome Powell khước từ ngắn gọn “chưa phải lúc”. Mới đây, Tổng thống Donald Trump một lần nữa kêu gọi FED hạ lãi suất và thậm chí còn ám chỉ đến việc “sa thải” Chủ tịch Jerome Powell.

Ông Trump viết trên mạng Truth Social: “ECB dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 7, nhưng quá muộn, Jerome Powell của FED, người luôn quá muộn và sai. Giá dầu giảm, hàng tạp hóa (thậm chí là trứng!) giảm, và Hoa Kỳ đang giàu có nhờ thuế quan. Ông ta đáng lẽ phải hạ lãi suất, giống như ECB”.

Vài giờ đồng hồ sau, ông Trump tiếp tục gây áp lực với vị Chủ tịch FED: “Tôi không nghĩ ông ấy đang làm tốt công việc. Ông ấy quá muộn, luôn quá muộn ... Chậm chạp, và tôi không hài lòng với ông ấy. Tôi đã cho ông ấy biết điều đó, và nếu tôi muốn ông ấy ra đi, ông ấy sẽ ra đi rất nhanh, tin tôi đi”.

Loạt động thái của Tổng thống Hoa Kỳ được đưa ra sau bài phát biểu của ông Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, rằng thuế quan của chính quyền đã đặt FED vào thế khó khi quyết định nên kiềm chế lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng.

FED vẫn hành động đúng với quyền lực của tổ chức này từ xưa đến nay, độc lập với sự chỉ đạo từ Nhà Trắng. Ông Powell đã nhắc lại điều này, rằng Tổng thống không có thẩm quyền sa thải ông ấy!

Rõ ràng, lạm phát là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với FED, các chiến lược gia tại đây vẫn tin rằng nguy cơ lạm phát trở lại hiện hữu khi nhìn vào các diễn biến trên thị trường nội địa cũng như chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị nghẽn lại phần lớn.

Trái với phát biểu của ông Trump, nghiên cứu mới từ SmartAssetcho thấy sự biến động đáng kể về giá cả hàng hóa giữa các thành phố Hoa Kỳ. Trong khi giá trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa tăng hoặc giảm tùy thuộc vào vị trí, thì giá trứng, thịt và gia cầm tăng vọt gần như đồng loạt, đạt hơn 9% hoặc cao hơn chỉ một năm trước đó - gấp ba lần tỷ lệ lạm phát chung.

Giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ dự báo còn tăng mạnh (Ảnh Bloomberg)
Giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ dự báo còn tăng mạnh (Ảnh Bloomberg)

Một phân tích gần đây của Phòng thí nghiệm Ngân sách Đại học Yale ước tính rằng giá thực phẩm nói chung sẽ tăng 2,6% trong ba năm tới, do thuế quan của Hoa Kỳ cũng như thuế quan trả đũa từ các quốc gia khác.

Theo các chuyên gia từ Yale, gánh nặng chi phí sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người mua sắm có thu nhập thấp, những người chi tiêu nhiều hơn thu nhập của mình cho các mặt hàng thiết yếu.

Affiliated Foods, nhà phân phối thực phẩm lớn của Hoa Kỳ, nhập phần lớn chuối từ Guatemala - đối tác bị ông Trump áp dụng mức thuế 10%. Điều này sẽ làm tăng chi phí của Affiliated Foods thêm 4 xu cho mỗi thùng chuối, từ 1,80 USD lên 1,84 USD. Phần giá tăng thêm này sẽ do người tiêu dùng chịu.

Tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới của Pháp Hermès sẽ tăng giá đối với sản phẩm của họ tại Hoa Kỳ từ đầu tháng 5 để bù đắp tác động của thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Đây là những lý do quan trọng nhất khiến FED rơi vào tình thế không thể lựa chọn giữa kìm chế lạm phát hay kích thích tăng trưởng. Nhiều chuyên gia dự báo sự căng thẳng với đồng đô la Mỹ còn kéo dài cho đến khi thị trường cảm nhận được chuỗi cung ứng ổn định trở lại.

Trương Khắc Trà