Kinh tế thế giới

Hàn Quốc kỳ vọng lớn trong vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ

Nam Trần 21/04/2025 11:04

Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun sẽ tới Mỹ tuần này để đàm phán thương mại, nhằm tận dụng thời gian tạm hoãn thuế 90 ngày và định hình lại quan hệ kinh tế song phương.

Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun chuẩn bị tới Mỹ đàm phán (Ảnh: Business Times)

Hàn Quốc chuẩn bị sang Mỹ đàm phán

Theo tuyên bố từ Bộ Công nghiệp Hàn Quốc hôm Chủ nhật, tuần này Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun sẽ đến thủ đô Washington của Mỹ để bắt đầu vòng đàm phán thương mại đầu tiên với chính quyền Trump.

Đây sẽ là chuyến đi lần thứ ba của ông Ahn kể từ khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, diễn ra theo lời mời từ phía Mỹ và nhằm làm rõ lộ trình thuế quan cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Cùng đi với ông Ahn là Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok để gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Phía Hàn Quốc cũng không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ trực tiếp tham gia đàm phán, như ông từng bất ngờ làm trong cuộc gặp với phái đoàn Nhật Bản tuần trước.

Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia đầu tiên được mời vào bàn đàm phán sau khi Mỹ áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại, bao gồm cả xe hơi, thép và nhôm. Mức thuế này hiện đang được giảm tạm thời còn 10% trong vòng 90 ngày – được xem là “khoảng thời gian vàng” để Seoul thương thuyết lại các điều khoản thương mại.

Ba trụ cột đàm phán

Seoul kỳ vọng chuyến thăm lần này sẽ mang lại bước đột phá thông qua một loạt đề xuất mang tính tổng hợp, bao gồm: hợp tác đóng tàu, tham gia dự án khí đốt tại Alaska, và điều chỉnh chia sẻ chi phí quốc phòng.

Hàn Quốc vốn là cường quốc hàng đầu thế giới về công nghiệp đóng tàu. Một thỏa thuận hợp tác sản xuất với Mỹ sẽ góp phần tăng cường năng lực hàng hải hai nước và tạo thế đối trọng với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chiến lược.

Trong tháng 4/2025, tập đoàn HD Hyundai Heavy Industries đã ký Biên bản ghi nhớ với Huntington Ingalls Industries – nhà thầu đóng tàu quân sự lớn nhất của Mỹ – để hợp tác trong cả lĩnh vực dân sự và quốc phòng.

Hợp tác đóng tàu có thể là một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên

Về phía Hàn Quốc, nước này kỳ vọng xuất khẩu công nghệ và chuyên môn để bù đắp thâm hụt thương mại với Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực thép và ô tô đang bị đánh thuế nặng.

Một trụ cột khác là dự án khí đốt tại Alaska – một dự án đường ống dẫn khí LNG trị giá 44 tỷ USD mà chính quyền Trump coi là biểu tượng cho "sự hồi sinh năng lượng Mỹ". Washington đang mời gọi các đối tác châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng tham gia đầu tư và vận hành.

Là một trong những quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, Hàn Quốc có thể cân nhắc đầu tư để tăng cường an ninh năng lượng và rút ngắn thặng dư thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, dự án này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giáo sư Kim Dae-jong từ Đại học Sejong cảnh báo rằng việc quá phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực năng lượng có thể làm tăng nguy cơ mất cân bằng chiến lược.

Viện Nghiên cứu Năng lượng của Mỹ cũng thừa nhận dự án còn gặp nhiều thách thức, bao gồm chi phí khổng lồ cho cơ sở hạ tầng, cạnh tranh từ các dự án khác và những hoài nghi về hiệu quả kinh tế.

Cuối cùng, vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng được xem là điểm nhạy cảm nhất trong đàm phán. Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, song từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, yêu cầu tăng đóng góp chi phí đã trở thành vấn đề căng thẳng.

Trên nền tảng Truth Social, ông Trump nhấn mạnh rằng chi phí quốc phòng sẽ nằm trong “gói đàm phán một cửa” với Hàn Quốc. Trước đó, ông từng tuyên bố có thể rút quân nếu các nước không chi trả đầy đủ.

Năm 2024, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm thời với chính quyền Biden, đồng ý tăng đóng góp lên 1,1 tỷ USD và cam kết tăng hàng năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính quyền Trump đang muốn tái đàm phán với mức chia sẻ mới được dự báo sẽ cao hơn.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 90 ngày trước khi mức thuế ưu đãi hết hiệu lực, Hàn Quốc đang nỗ lực định hình lại quan hệ thương mại và chiến lược với Mỹ. Dù nhiều thách thức đang chờ đợi, việc duy trì ổn định với đối tác kinh tế lớn như Mỹ được cho là mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho Seoul.

Nam Trần