Đông Nam Á ứng phó thế nào với hàng giá rẻ Trung Quốc?
Đối mặt với nhu cầu trong nước giảm và rào cản thương mại gia tăng, các nhà sản xuất Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ sang Đông Nam Á.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển sang Đông Nam Á để bán hàng hóa dư thừa do nhu cầu trong nước giảm và các rào cản thương mại gia tăng ở nước ngoài, đặc biệt là sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp thuế cao tới 245% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với hàng hóa sản xuất đã tăng vọt từ khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2018 lên hơn 1,8 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, khi nguồn cung tiếp tục vượt xa nhu cầu trong nước. Và với việc tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm dần, Đông Nam Á đã trở thành một điểm đến chính của hàng hóa Trung Quốc.
Vào năm 2023, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua Mỹ và EU để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á tăng 12%, trong khi xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc chỉ tăng 2%.
Hiện nay, các nhà sản xuất hàng dệt may, mỹ phẩm, đồ điện tử và đồ dùng nhà bếp Đông Nam Á đang phải vật lộn để cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc vốn có chuỗi cung ứng tự động hóa cao mang lại cho họ lợi thế đáng kể.
Sự gia tăng của các nền tảng thương mại điện tử như Temu và TikTok Shop đã đẩy nhanh hơn nữa sự thâm nhập của hàng hóa Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Để ứng phó, nhiều chính phủ đã đưa ra các biện pháp yêu cầu các nền tảng này phải đăng ký tại địa phương và áp dụng mức thuế suất cao hơn.
Ông Danang Girindrawardana, Giám đốc điều hành Hiệp hội Dệt may Indonesia, chia sẻ với SCMP rằng sự gia tăng của hàng nhập khẩu giá rẻ, thường là bất hợp pháp từ Trung Quốc, cùng với tác động kéo dài từ đại dịch và sự hỗ trợ không đầy đủ từ chính phủ, đã gây tổn hại nghiêm trọng tới ngành dệt may, một lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Ông Danang lo ngại tình hình sẽ còn xấu đi, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chật vật cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Hiện tại, ngành công nghiệp Indonesia đang lo rằng Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng xuất khẩu quần áo giá rẻ vốn dành cho thị trường Mỹ sang các nước đang phát triển như Indonesia.
“Tình hình vẫn chưa cải thiện, thị trường nội địa đang bị bão hòa bởi các loại vải và quần áo nhập khẩu. Các nhà máy trong nước không thể cạnh tranh về giá với hàng hóa nhập khẩu", ông nói.

Theo bà Maria Monica Wihardja, chuyên gia kinh tế tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, hiện nay đã có các hiệp định thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm ứng phó với làn sóng hàng nhập khẩu đột ngột hoặc các hành vi bán phá giá, trong đó có các biện pháp bảo hộ như thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, bà cho rằng các quốc gia ASEAN nên tránh gia tăng các biện pháp bảo hộ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thay vào đó, các nước nên tận dụng các khuôn khổ như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và phiên bản nâng cấp của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc để theo đuổi lợi ích chiến lược dài hạn.
Các chuyên gia cũng cho biết các nước Đông Nam Á đang kỳ vọng sử dụng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa để buộc các công ty Trung Quốc tăng cường sử dụng nguyên liệu và linh kiện từ ngành công nghiệp trong nước.
Xu hướng này ngày càng rõ rệt trong ngành xe điện (EV), đặc biệt khi các nước như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang định vị mình là trung tâm sản xuất trong khu vực, nhờ vào dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện.
Thái Lan đã ban hành yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa 40% để củng cố chuỗi cung ứng. Đáp lại, một số công ty Trung Quốc đã thích nghi bằng cách xây dựng nhà máy tại Thái Lan, sản xuất linh kiện ngay tại quốc gia này để đáp ứng các yêu cầu và tránh bị áp dụng biện pháp hạn chế.
Để tận dụng tối đa đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia, các quốc gia Đông Nam Á cần đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu vượt khỏi nguyên liệu thô và thu hút đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm, cũng như các ngành sử dụng nhiều vốn để thúc đẩy đổi mới công nghiệp và phát triển công nghệ.
Phát biểu tại hội thảo của Asia Society Policy Institute, bà Rebecca Sta Maria, cựu Giám đốc điều hành Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN cần ưu tiên giá trị gia tăng từ các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Dù các khoản đầu tư này đã tạo ra việc làm và hoạt động kinh tế tại Campuchia, Lào và Việt Nam, bà cảnh báo rằng tác động kinh tế tổng thể sẽ bị hạn chế nếu không có các chính sách công nghiệp và đầu tư vững chắc.
“Nếu không chú trọng đến xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, đưa đầu vào công nghệ vào nền kinh tế, thì những nền kinh tế như Campuchia, Lào và một số nước khác sẽ không thu được nhiều giá trị từ những khoản đầu tư này,” bà nhấn mạnh.