Thị trường bất động sản Trung Trung Bộ phục hồi tích cực
Sau một thời gian dài rơi vào trạng thái trầm lắng, thị trường bất động sản tại khu vực Trung Trung Bộ đang chứng kiến đợt tái khởi động mạnh mẽ với nhiều chỉ dấu phục hồi tích cực.

Nguồn cung tăng mạnh, giao dịch khởi sắc
Theo dữ liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2024 ghi nhận sự chuyển mình rõ nét của thị trường nhà ở tại Trung Trung Bộ. Cụ thể, toàn khu vực có 7.845 sản phẩm bất động sản được mở bán, tăng 82% so với năm trước, trong đó phân khúc căn hộ chiếm tới 74,4% tổng nguồn cung. Sự bùng nổ ở phân khúc này đã góp phần nâng tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường lên 47%, tương đương 3.675 giao dịch thành công.
Đà phục hồi tiếp tục được duy trì trong quý I/2025 với 2.566 sản phẩm nhà ở được đưa ra thị trường, gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Dù tỷ lệ hấp thụ đạt 38% (tương đương 983 giao dịch) – giảm nhẹ so với quý trước, nhưng đây vẫn là kết quả tích cực trong bối cảnh phần lớn nguồn cung mới chỉ ra hàng vào cuối quý.
Bên cạnh căn hộ, các loại hình bất động sản liền thổ như biệt thự, nhà phố và shophouse cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Khu vực Trung Trung Bộ hiện có 7 dự án đang bước vào giai đoạn tiếp theo, cung cấp tổng cộng 323 sản phẩm ra thị trường – tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ đạt 33%, với 105 giao dịch thành công, tăng 3%.
Du lịch nghỉ dưỡng có tiềm năng hồi phục
Đáng chú ý, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực này cũng đang khởi sắc trở lại. Trong quý đầu năm nay, thị trường ghi nhận 350 sản phẩm được chào bán gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, với tỷ lệ hấp thụ đạt 32%. Động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi của ngành du lịch và tiến độ tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho loạt dự án tồn đọng.

Trong đó, phân khúc căn hộ du lịch (condotel) tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm 73% lượng giao dịch với mức giá dao động từ 65 đến 154 triệu đồng/m². Biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vẫn giữ giá cao, từ 14,6 đến 100 tỷ đồng/căn – phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng dài hạn của phân khúc này.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đối mặt với thách thức về mất cân đối cung – cầu. Đà Nẵng hiện chiếm tới 64% tổng nguồn cung nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng toàn khu vực, trong khi các khu vực khác vẫn thiếu hụt sản phẩm chất lượng. Quỹ đất tại trung tâm thành phố cũng đang dần thu hẹp, kéo theo giá đất tăng cao và giới hạn không gian phát triển mới.
Trước thực tế đó, xu hướng phát triển các khu đô thị thương mại dịch vụ ven đô với quy mô lớn đang trở thành lời giải bền vững cho bài toán phát triển đô thị.
Theo VARS, đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp chiến lược để mở rộng không gian sống, phân bổ dân cư và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Mô hình đô thị tích hợp nơi cư dân có thể "sống – làm việc – hưởng thụ" trong cùng một không gian đang được ưa chuộng nhờ khả năng đáp ứng toàn diện nhu cầu sống hiện đại. Nhiều dự án tại Đà Nẵng và Quảng Nam đã được quy hoạch theo hướng khép kín, đồng bộ về hạ tầng và tiện ích, góp phần hình thành nên các cụm đô thị vệ tinh đa chức năng, giảm áp lực cho trung tâm đô thị.
Sở hữu vị trí địa lý chiến lược ở trung tâm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam có hệ thống kết nối liên vùng phát triển với cao tốc, sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu và mạng lưới đường sắt quốc gia. Những điều kiện này giúp hai địa phương trở thành điểm đến lý tưởng để hình thành các khu đô thị quy mô lớn với chức năng hỗn hợp.
Không chỉ có lợi thế địa lý, kinh tế khu vực cũng đang có những tín hiệu khởi sắc. Quý I/2025, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng 11,36% – cao nhất cả nước. Quảng Nam cũng giữ vững đà tăng ổn định, với cơ cấu kinh tế dịch vụ – công nghiệp đang dần chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nền tảng thuận lợi để phát triển các khu đô thị thương mại – dịch vụ trong thời gian tới.