Các "ông lớn" ngành chăn nuôi lạc quan tăng trưởng
Giá lợn hơi tăng trở lại đang tạo "cú hích" đáng kể giúp các "ông lớn" ngành chăn nuôi lấy lại đà phục hồi và mạnh dạn triển khai các kế hoạch mở rộng trong năm 2025.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quý I/2025 ghi nhận sự ổn định của ngành chăn nuôi.

Cụ thể, sản lượng thịt hơi các loại đạt 2,15 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng thịt lợn hơi đạt gần 1,36 triệu tấn (tăng 5%), thịt gia cầm hơn 624.000 tấn (tăng 4,7%), trứng đạt 5,21 tỷ quả (tăng 3,2%), sữa bò tươi hơn 350.000 tấn (tăng 5,6%).
Thị trường biến động mạnh, đặc biệt là giá lợn hơi. Từ mức 65.000 - 69.000 đồng/kg trong tháng 1, giá tăng lên 83.000 đồng/kg đầu tháng 3, cao nhất ba năm, rồi chững lại ở mức 74.000 - 81.000 đồng/kg. Giá lợn tại Việt Nam hiện cao hơn các nước láng giềng nhưng thấp hơn Philippines, giúp người chăn nuôi đạt lợi nhuận 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Nguyên nhân tăng giá đến từ dịch bệnh cuối 2024 làm giảm đàn nái, siết kiểm soát chăn nuôi tại Đông Nam Bộ, kiểm tra nhập lậu và nguồn cung hạn chế.
Đáng lưu ý, giá lợn hơi tăng trở lại đang tạo cú hích đáng kể cho ngành chăn nuôi, giúp các doanh nghiệp đầu ngành lấy lại đà phục hồi và mạnh dạn triển khai các kế hoạch mở rộng trong năm 2025.
Đặc biệt, chuyên gia đánh giá, Luật Chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, buộc di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp, tạo áp lực cho hộ nhỏ lẻ và mở đường cho doanh nghiệp lớn gia tăng thị phần.

Tại Tập đoàn Dabaco Việt Nam, với giả định giá lợn hơi bình quân đạt 55.000 đồng/kg và dịch bệnh được kiểm soát, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 28.759 tỷ đồng, tăng gần 19%, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.007 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm trước.
“Quý 1/2025 đã đạt được một nửa kế hoạch năm và chúng ta còn 3 quý nữa. Tôi muốn con số lãi cao hơn so với mục tiêu 1.007 tỷ đồng. Nếu giá thịt lợn duy trì ở mức 60.000 đồng/kg thì chúng tôi chắc chắn đạt 1.500 tỷ đồng lãi ròng,” ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco quyết tâm.
Không chỉ là mục tiêu, ngay từ những tháng đầu năm 2025, Dabaco khánh thành Nhà máy sản xuất vắc xin Dacovet với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất 200 triệu liều/năm, là nơi đầu tiên trong nước sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi – Dacovac-ASF2.
Đồng thời cho biết, Dabaco sẽ triển khai hàng loạt dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thái Nguyên và Bắc Kạn; đồng thời mở rộng Nhà máy ép dầu giai đoạn II với công suất 1.000 tấn/ngày cũng trong năm 2025.
Tập đoàn cũng định hướng đến năm 2030 sẽ đạt doanh thu từ 38.000 - 40.000 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với năm 2024. Giai đoạn 2026 - 2030, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm.
Không thua kém, Công ty Cổ phần Masan MEATLife cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt 8.250 - 8.750 tỷ đồng, tăng 8 - 14% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 25 – 205 tỷ đồng.
Cũng tham gia cuộc đua tăng trưởng, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đặt kế hoạch với loạt dự án khủng trong năm nay như 13 dự án trang trại và cụm trang trại mới với tổng quy mô lên tới 198.000 heo thịt và 41.000 heo nái. Dự án Nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước với công suất 240 con/giờ và một nhà máy sản xuất thức ăn cám chay tại Bình Định có công suất 300.000 tấn/năm. BAF cũng đang xúc tiến thủ tục pháp lý để xây dựng dự án chăn nuôi heo nhà tầng đầu tiên tại Việt Nam.
Mặc dù các doanh nghiệp lớn lạc quan với mục tiêu tăng trưởng, nhưng thách thức vẫn còn trước mắt. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Cục Chăn nuôi và thú y quyết liệt hơn trong khâu chế biến và xúc tiến thương mại để tăng giá trị gia tăng. Hiện nay, nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn xuất khẩu thô, dẫn đến giá trị thấp. Đầu tư vào chế biến sâu, như thịt gà chế biến sẵn hoặc trứng vịt muối đóng gói, sẽ giúp đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường EU và Nhật Bản, đồng thời giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi 5,7-5,98% trong năm 2025, Cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho các quý còn lại: quý II tăng 6,02%, quý III tăng 5,95%, và quý IV tăng 6,35%.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất, với Mỹ chiếm 20,2% (tăng 13,5%), Trung Quốc 17,3% (tăng 3,6%), và Nhật Bản 7,7% (tăng 26%). Châu Âu cũng là khu vực tiềm năng, đạt giá trị xuất khẩu 2,61 tỷ USD (tăng 37,8%), cho thấy dư địa lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi như thịt gà chế biến, mật ong và trứng vịt muối.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng thị trường tại các quốc gia như Mỹ, Brazil, Argentina và Belarus. Châu Âu, với mức tăng trưởng xuất khẩu 37,8%, là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm như thịt gà chế biến, mật ong, tổ yến và trứng vịt muối. Cục đã làm việc với các tham tán nông nghiệp để thúc đẩy hợp tác, tận dụng các hiệp định thương mại như EVFTA để giảm thuế quan và tăng sức cạnh tranh.
Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, từ hệ thống cho ăn tự động, xử lý chất thải đến kiểm soát dịch bệnh. Chuyển đổi số, sử dụng ứng dụng di động để ghi chép giao dịch và truy xuất nguồn gốc sẽ giúp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đặc biệt tại các thị trường khó tính như EU.
Ông Thắng cũng cho biết, để duy trì tăng trưởng đàn vật nuôi, Cục sẽ tiếp tục kiểm soát dịch bệnh thông qua tiêm phòng, kiểm dịch tại cửa khẩu và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các biện pháp như di dời trang trại ra khỏi khu dân cư và vệ sinh tiêu độc khử trùng cần được triển khai đồng bộ.