Phân tích - Bình luận

Trung Quốc cảnh báo mới, thương mại toàn cầu căng thẳng hơn?

Trương Khắc Trà 22/04/2025 03:28

Những thỏa thuận hợp tác thương mại với Hoa Kỳ gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc sẽ bị nước này trả đũa. Căng thẳng thương mại có thể phức tạp hơn.

Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia hợp tác với Hoa Kỳ theo cách gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh (Ảnh Teheran Time)
Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia hợp tác với Hoa Kỳ theo hướng gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh (Ảnh Teheran Time)

Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia ký kết thỏa thuận thương mại có quy mô lớn hơn với Hoa Kỳ theo hướng gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt được thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó có đi có lại”.

Đồng thời, tuyên bố này cũng gửi đi thông điệp của Trung Quốc là nước này sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên “bảo vệ công lý và sự công bằng quốc tế”, đồng thời mô tả hành động của Hoa Kỳ là “lạm dụng thuế quan”.

Loạt động thái gần đây của Tổng thống Trump đang đẩy Trung Quốc về một phía - sau khi hoãn thuế đối ứng 90 ngày với tất cả, ngoại trừ với hàng hóa từ Trung Quốc bị tăng thuế lên 245%.

Cường quốc châu Á đã trả đũa thuế quan của Hoa Kỳ bằng mức thuế 125%. Bắc Kinh cũng đã hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng và đưa một số công ty Hoa Kỳ, chủ yếu là các công ty nhỏ hơn, vào “danh sách đen” bị hạn chế khả năng hợp tác với các công ty Trung Quốc.

Kể từ khi ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, quốc gia châu Á này đã tăng cường thương mại với Đông Nam Á. Khu vực này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở khu vực. Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên phương diện một quốc gia.

Không ai nghi ngờ về vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thực sự quá quan trọng để có thể bỏ ra ngoài kế hoạch sản xuất kinh doanh. Việc Trung Quốc và Hoa Kỳ không tìm thấy tiếng nói chung sẽ dẫn đến kết cục xấu với kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng, thuế quan của ông Trump có thể làm chậm đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng chúng khó có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế này. Thay vào đó, nó đã đẩy nhanh sự chuyển dịch của Bắc Kinh sang các biện pháp kích thích trong nước và tự lực kinh tế.

Nếu đạt được sự cân bằng phù hợp, Trung Quốc có thể thoát khỏi cuộc xung đột thương mại này dứt khoát hơn, trong khi Hoa Kỳ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn kinh tế tiềm tàng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các biện pháp trả đũa đồng loạt.

Triển vọng đàm phán Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng mờ nhạt (Ảnh ABC News)
Triển vọng đàm phán Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng mờ nhạt (Ảnh ABC News)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nói đến hiện tượng doanh nghiệp Hoa Kỳ chạy đua tích trữ hàng hóa dẫn tới mức độ hoạt động kinh tế “cao giả tạo”. Nhưng quan trọng hơn điều này cho thấy rằng, dường như không có lựa chọn cung ứng nào có thể lấp đầy khoảng trống trong ngắn hạn.

Mặc dù ông Trump đang nắm quyền chủ động trong “cuộc chơi” thuế quan, nhưng sức mạnh này chủ yếu đến từ sự “cưỡng cầu” với đối tác, gây ra sức ép buộc các quốc gia khu vực tìm cách “thoát Mỹ”.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bối cảnh này sẽ nảy ra sáng kiến mới cải tổ cấu trúc các tổ chức duy trì trật tự thương mại toàn cầu. Sẽ có một số cường quốc chìa “củ cà rốt” nhằm giảm thiểu nguy cơ suy thoái chung.

Trương Khắc Trà