Xã hội

Thực phẩm độc hại “tấn công” người dùng - ai chịu trách nhiệm?

Lê Trà My 22/04/2025 02:59

Thêm một vụ sản xuất giá đỗ độc hại bị phát hiện, lần này ở Nghệ An, chỉ vài tháng sau vụ việc chấn động tại Đắk Lắk.

Bốn người bị bắt, hàng ngàn thùng giá đỗ ngâm hóa chất bị thu giữ, nỗi lo của người tiêu dùng lại dâng lên thành từng đợt sóng ngầm.

Trong suốt hơn một tháng qua, từ vụ “kẹo rau Kera” quảng cáo một viên kẹo bằng một đĩa rau, đến vụ 573 loại sữa giả tràn lan, thậm chí xuất hiện trong cả bệnh viện. Người tiêu dùng liên tục bị “tấn công” bởi thực phẩm giả, thực phẩm độc hại. Những gì từng được coi là an toàn, giờ đây cũng đầy rủi ro và ngờ vực.

Ảnh màn hình 2025-04-21 lúc 20.01.52
Lực lượng công an kiểm tra một cơ sở sản xuất giá đỗ bằng hóa chất. Ảnh: Công an Nghệ An

Sự ngang nhiên của những người sản xuất giá độc hại khiến dư luận phải đặt câu hỏi nhức nhối: vì sao họ không biết sợ?

Bởi lẽ, hệ thống kiểm tra hiện nay chủ yếu là hậu kiểm, tức chỉ phát hiện và xử lý khi sản phẩm đã được bán ra, tiêu thụ, thậm chí đã nằm trong dạ dày của người dân. Và như vậy, những người làm hàng bẩn “thoải mái hốt bạc” cho đến khi bị lộ. Họ chỉ dừng lại khi bị bắt, chứ không phải vì nhận thức được hậu quả hay vì sợ vi phạm pháp luật.

Điển hình như câu nói “sặc mùi thương lái” của một nghi phạm sau vụ giá độc hại ở Đắk Lắk: “Thị trường sạch hết thì tôi cũng nhàn.” Một cách nói trắng trợn rằng nếu không có thực phẩm bẩn khác cạnh tranh, hàng độc của họ sẽ càng bán chạy.

Cứ nghĩ, sau vụ việc ở Đắk Lắk, điều đáng lẽ phải xảy ra là một chiến dịch rà soát toàn diện từ các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh có thị trường nông sản phát triển. Nhưng không. Phải đợi đến khi công an bắt thêm bốn người ở Nghệ An, người dân mới được “cảnh tỉnh” rằng sự việc không chỉ giới hạn ở một tỉnh thành.

Vụ giá đỗ độc chỉ là lát cắt của một bức tranh rộng lớn và tối màu về an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Bức tranh ấy phơi bày nhiều vấn đề cùng lúc: từ lỗ hổng pháp luật, sự yếu kém trong tổ chức quản lý, đến việc một bộ phận cán bộ không làm hết trách nhiệm, thậm chí có thể tiếp tay cho sai phạm.

Không ai quên được vụ “kẹo rau”, một sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc, sản phẩm mới bị dừng lưu hành. Trước đó, cơ quan quản lý thị trường gần như “vắng bóng”.

Hay như vụ sữa giả, sản phẩm này không chỉ lừa người tiêu dùng ngoài chợ mà còn len lỏi vào cả các bệnh viện, nơi điều trị bệnh nhi, bệnh nhân ung thư… Điều này cho thấy sự buông lỏng trong giám sát và kiểm nghiệm, nhưng đồng thời cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi: liệu có sự bảo kê, “làm ngơ” hay thậm chí móc ngoặc ở đâu đó không?

Nếu không có những cuộc điều tra của công an với các chuyên án bài bản, theo dõi cả tháng trời, thì liệu người tiêu dùng có bao giờ biết rằng họ đang ăn thực phẩm độc hại mỗi ngày?

Người làm ăn chân chính thường nói: “Giữ uy tín như giữ mạng.” Nhưng câu nói ấy dường như không tồn tại trong tư duy của những người sản xuất giá độc, bán sữa giả hay tung kẹo rau “nổ” công dụng.

Họ biết rõ việc làm của mình có thể hủy hoại sức khỏe cộng đồng, thậm chí đẩy người bệnh, trẻ nhỏ vào nguy hiểm, nhưng vẫn làm. Vì sao? Vì lợi nhuận. Vì cái gọi là “thị trường ngách”, tức là cứ có người tiêu dùng ít hiểu biết, cứ có hệ thống quản lý sơ hở là họ sẵn sàng nhảy vào.

Đạo đức kinh doanh không thể tồn tại nếu không có rào chắn từ pháp luật. Những lời kêu gọi “hãy làm ăn chân chính” là không đủ. Chỉ khi có chế tài mạnh, phạt nặng, xử tù thật, thậm chí công khai danh tính doanh nghiệp và cá nhân vi phạm thì mới mong răn đe được những kẻ táng tận lương tâm.

Hiện nay, kiểm tra an toàn thực phẩm chủ yếu dựa vào “hậu kiểm”, trong khi mô hình kiểm soát hiệu quả tại các quốc gia phát triển là “tiền kiểm” kết hợp hậu kiểm. Tức là sản phẩm chỉ được đưa ra thị trường khi đã qua kiểm định nghiêm ngặt. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đều phải đăng ký, chịu kiểm tra định kỳ và đột xuất. Có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, xử phạt mạnh tay khi phát hiện sai phạm.

Tại Việt Nam, nhiều đề án về “truy xuất nguồn gốc”, “chợ an toàn”, “thực phẩm sạch” đã được triển khai nhưng vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ, và dễ bị lợi dụng để hợp pháp hóa hàng bẩn. Hàng loạt sản phẩm mang mác “an toàn” nhưng thực chất chỉ là tự dán nhãn.

Nếu không thay đổi tư duy quản lý từ “phòng ngừa” thay vì “chữa cháy”, thì sau giá đỗ, sẽ còn rau, củ, thịt, cá… với các kiểu độc hại khác nhau chờ được “khui ra”.

Đã đến lúc các bộ ngành phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tổng thể, đồng bộ: từ sửa đổi luật, tăng cường thanh tra chuyên ngành, đầu tư vào hệ thống kiểm nghiệm, đến xử lý hình sự nghiêm khắc đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm độc hại.

Xin đừng để người dân phải sống trong nỗi lo “bữa ăn có thể là cái bẫy tử thần”. Đừng để lòng tin bị bào mòn mỗi ngày vì sự chậm trễ của những người có trách nhiệm.

Lê Trà My