Đầu tư

TP HCM đề xuất làm đường sắt kết nối sân bay Long Thành theo cơ chế đặc thù

Bài và Ảnh: Hương Giang 22/04/2025 00:30

TP HCM đề xuất Trung ương bố trí 3,4 tỉ USD làm đường sắt kết nối sân bay Long Thành theo cơ chế đặc thù để thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn TP.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Theo quy hoạch, TP HCM có 4 tuyến đường sắt phục vụ kết nối Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng Long Thành gồm 3 tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4 và số 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành. Hiện nay, TP HCM đang nghiên cứu, ưu tiên chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4 và số 6 theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Theo quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt sẽ mở rộng từ TP HCM kết nối đến các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và Cần Thơ.
Theo quy hoạch, TP HCM có 4 tuyến đường sắt phục vụ kết nối Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng Long Thành gồm 3 tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4 và số 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành.

Riêng hình thức đầu tư và nguồn vốn đầu tư tuyến Thủ Thiêm - Long Thành chưa được xác định rõ. UBND TP HCM nhận thấy để triển khai nhanh, hiệu quả thì việc triển khai dự án theo hình thức đầu tư công là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, UBND TP đang tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188. Trường hợp triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (sơ bộ tổng mức đầu tư gần 3,4 tỉ USD) theo hình thức đầu tư công, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Song song đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Xây dựng, UBND TP cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 188, từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung để thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, UBND TP HCM đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất với Cảng HKQT Long Thành.Đồng thời, UBND TP HCM đề xuất Trung ương bố trí 3,4 tỉ USD làm đường sắt kết nối sân bay Long Thành theo cơ chế đặc thù để thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn TP.

Theo phương án của Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Xây dựng, tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 42 km, thiết kế đường đôi, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Tuyến gồm 20 ga, vận chuyển hành khách nội ngoại ô từ TP HCM, tỉnh Đồng Nai đến Cảng HKQT Long Thành.

Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao TP HCM triển khai tuyến đường sắt đô thị này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ công tác xây dựng, vận hành và khai thác tối đa các quỹ đất quanh khu vực dự án, tăng tính chủ động của địa phương.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến metro số 1 (TP Mới - Suối Tiên) của tỉnh Bình Dương có điểm đầu tại ga S1 (trung tâm thành phố mới Bình Dương) thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Tổng chiều dài tuyến khoảng 32,43km, đi qua 4 thành phố Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Hiện nay, TP HCM đang nghiên cứu, ưu tiên chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4 và số 6 theo cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua.

Và áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP)

Liên quan tới tiến kế hoạch triển khai các tuyến đường sắt đô thị tại TP HCM, trước đó (tháng 3/2025), Tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi UBND TP HCM, đề xuất đầu tư toàn bộ tuyến metro theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 102.370 tỉ đồng (tương đương 4,09 tỉ USD). Theo đề xuất, Vingroup sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và huy động thêm từ các nguồn hợp pháp khác để triển khai dự án. Song, Tập đoàn Vingroup mong muốn bắt đầu công tác chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2025, bao gồm việc lập và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình các cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch phát triển đường sắt đô thị và phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án đặt mục tiêu khởi công vào năm 2026, hoàn tất thi công, vận hành thử và bàn giao vào năm 2028.

Theo báo cáo sơ bộ, tuyến metro này được định hướng là tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao, thiết kế đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, chạy hoàn toàn trên cao, với vận tốc tối đa lên đến 250 km/h.

Thời gian di chuyển từ khu vực Phú Mỹ Hưng (Quận 7) đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chỉ mất khoảng 16 phút.

Tuyến dự kiến có hai depot (trạm bảo trì và điều hành) đặt tại Quận 7 và xã Long Hòa (huyện Cần Giờ). Khi hoàn thành, tuyến metro có khả năng phục vụ từ 30.000 đến 40.000 hành khách mỗi giờ theo mỗi hướng.

Tuy nhiên, UBND TP HCM cho biết tuyến metro này hiện chưa có trong danh mục các dự án đường sắt đô thị kèm theo Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.

Dù vậy, theo điểm c khoản 2 Điều 10 của Nghị quyết này, Chính phủ được phép điều chỉnh danh mục dự án trên cơ sở đề xuất của địa phương.

Do đó, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bổ sung tuyến metro Cần Giờ vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết 188/2025/QH15.

Đồng thời, thành phố đề xuất giao UBND TP HCM phối hợp Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo đề xuất Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến metro này vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết 188/2025/QH15.

Bài và Ảnh: Hương Giang