Du lịch

Sáp nhập tỉnh thành: Ngành du lịch sẽ đón nhận ra sao?

Minh Châu 22/04/2025 10:10

Việc sáp nhập tỉnh là cơ hội để nhiều địa phương tái cấu trúc chiến lược phát triển du lịch, mở ra các tour liên kết vùng mà mỗi địa phương là một mắt xích trong đó.

Việc sáp nhập tỉnh, thành phố đang đặt ra “bài toán” khó cho ngành du lịch Việt Nam. Trước đây, mỗi địa phương đều xây dựng chiến lược du lịch riêng, dựa trên lợi thế địa lý, văn hóa và hạ tầng đặc thù.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, một trong những thách thức lớn nhất mà du lịch Việt Nam phải đối mặt chính là vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng du lịch. Từ đó, đặt ra câu hỏi về việc thay đổi địa giới hành chính liệu có thể làm xáo trộn thương hiệu du lịch địa phương, tác động đến chính sách quản lý và chiến lược phát triển hay không?

Theo TS Trịnh Lê Anh - Giảng viên khoa Du lịch trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tên gọi hành chính không hoàn toàn làm biến đổi thương hiệu du lịch của địa danh. Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có thể bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương, bất kể những thay đổi về mặt hành chính.

“Cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa “tên hành chính” và “thương hiệu điểm đến”. Trên thực tế, nhiều địa danh du lịch nổi tiếng hoàn toàn không trùng với tên tỉnh, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ như: Sa Pa (thuộc Lào Cai), Mộc Châu (thuộc Sơn La), hay Cát Bà (thuộc Hải Phòng). Vấn đề là chúng ta phải có một chiến lược truyền thông nhất quán, hành lang pháp lý rõ ràng và định hướng phát triển lâu dài, coi thương hiệu du lịch là một thực thể độc lập, đáng được bảo vệ và kế thừa.” - TS Trịnh Lê Anh phân tích.

baichinh1-1611022145572-16110221471271666042213.jpg
Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cho rằng sáp nhập đơn vị hành chính mở ra những cơ hội mới, giúp du lịch không còn bị bó hẹp trong từng địa bàn riêng lẻ.

Đưa ra nhận định về chủ đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, không gian du lịch sẽ đa dạng và phong phú hơn khi mỗi địa phương không còn bị bó buộc trong phạm vi hành chính chật hẹp. Điều này cho phép tổ chức các tour liên tỉnh - liên vùng một cách dễ dàng, giảm chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả quảng bá.

Du lịch biển không chỉ gắn với nghỉ dưỡng mà còn thúc đẩy dịch vụ logistics, thương mại biển, du lịch tàu biển - lĩnh vực đang còn non trẻ tại Việt Nam. Việc sáp nhập tỉnh tạo điều kiện hình thành các trung tâm du lịch biển mang tính vùng, đủ sức đón các đoàn khách lớn, tàu du lịch quốc tế.

Không gian hành chính lớn hơn, quy hoạch vùng được đồng bộ sẽ là nền tảng để các tỉnh ven biển xây dựng chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thay vì phát triển du lịch biển manh mún, thiếu kiểm soát, việc quy hoạch tổng thể trong một tỉnh lớn sau sáp nhập sẽ giúp kiểm soát tốt hơn về môi trường biển, phát triển hạ tầng thân thiện với môi trường, bảo vệ rừng ngập mặn, khai thác bãi biển có kiểm soát.

Mặt khác, các tỉnh sau sáp nhập có thể tích hợp quỹ đất, tài nguyên biển và nhân lực để hình thành các khu du lịch quy mô lớn, theo mô hình “all-in-one” (tất cả trong một): nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao biển, ẩm thực, văn hóa, sinh thái.

Sự gắn kết giữa miền biển và miền núi - như Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ - sẽ giúp tái cơ cấu lại chuỗi sản phẩm du lịch: Từ cà phê Buôn Ma Thuột đến tôm hùm Phú Yên, từ bản làng Tây Nguyên đến biển Nha Trang, tạo nên những “siêu tour” mang bản sắc Việt rõ nét.

Đồng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp và người làm du lịch cho rằng việc sáp nhập hay mất tên trên bản đồ hành chính không ảnh hưởng quá nhiều đến du lịch. Các danh thắng, di tích vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi và tiếp tục nhận diện như trước đây.

Theo TS Trịnh Lê Anh, Việt Nam hiện có những dải tài nguyên rất phong phú nhưng đang bị định vị rời rạc, dẫn đến việc các địa phương vừa trùng lặp, vừa triệt tiêu ưu thế của nhau. Do đó, nếu nhìn bằng tư duy phát triển vùng, việc sáp nhập tỉnh là cơ hội để nhiều địa phương tái cấu trúc chiến lược phát triển du lịch, mở ra các tour liên kết vùng mà mỗi địa phương là một mắt xích trong đó.

Mặt khác, việc sáp nhập tỉnh thành là xu hướng tất yếu trong quá trình tái cấu trúc hành chính, nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, nhất là trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc mỗi địa danh. Những giá trị văn hóa phi vật thể, thương hiệu du lịch đặc trưng của từng vùng đứng trước nguy cơ bị lu mờ. Dù vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng về một nền du lịch đồng bộ với những trải nghiệm độc đáo và mới lạ.

Đặc biệt, xét ở góc độ kinh tế, việc sáp nhập địa giới hành chính mang đến nhiều cơ hội rộng mở khi có tiềm năng phát triển các tour du lịch liên vùng và đổi mới sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc chúng ta có thể tận dụng tối đa cơ hội này hay không nằm ở chiến lược quảng bá và cách định vị thương hiệu phù hợp với từng địa phương. Khi ranh giới hành chính thay đổi, việc gìn giữ văn hóa cần một chiến lược rõ ràng, tránh tình trạng đồng hóa hoặc lãng quên những giá trị riêng của từng vùng. Nếu được triển khai một cách hợp lý, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

TS. Trịnh Lê Anh đề xuất, để xây dựng thương hiệu du lịch mới, trước hết phải đi từ bản sắc, tức là điều làm cho vùng đất đó không lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Đó có thể là hệ sinh thái tự nhiên độc đáo, nền văn hóa dân gian nguyên bản, hay trải nghiệm du lịch cộng đồng đầy nhân văn. Sau đó, cần truyền tải câu chuyện ấy trong một ngôn ngữ hiện đại, thông qua sản phẩm du lịch sáng tạo, ứng dụng số, truyền thông số hóa và đội ngũ hướng dẫn viên, doanh nghiệp du lịch có tâm, có tầm.

Song song với đó, chính người dân địa phương sẽ là những “đại sứ thương hiệu” chân thực và sống động nhất để đưa một điểm đến chạm tới du khách, cho dù tên gọi đã khác trước. Một thương hiệu du lịch chỉ thật sự bền vững khi nó sống trong trái tim của người dân, từ đó lan tỏa ra bên ngoài.

Muốn người dân tham gia, trước hết ngành du lịch cần lắng nghe tiếng nói của họ trong quy hoạch, thiết kế sản phẩm, hoạch định chính sách. Cộng đồng không chỉ là đối tượng được hưởng lợi từ du lịch, họ phải là chủ thể tạo nên trải nghiệm. Các địa phương cần xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng có lợi ích rõ ràng, công bằng và gắn kết.

Minh Châu