Chuyên đề

Triển vọng thị trường tài chính Việt Nam 2025: Cơ hội và thách thức

Diễm Ngọc 22/04/2025 12:16

Việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường tài chính là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh quốc tế biến động.

Nhìn lại các thách thức

Tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025” do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 22/4, Phó Tổng Giám đốc BIDV - ông Trần Phương cho biết trong ba năm qua, BIDV đã cùng ADB tổ chức Hội thảo thường niên về thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng.

Ảnh màn hình 2025-04-22 lúc 10.06.41
Việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường tài chính là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững.

Theo đó, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 vẫn duy trì ổn định, với một số kết quả đáng ghi nhận. Tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%, huy động vốn tăng 10,5%, với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các biện pháp thị trường mở. Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt 299.000 tỷ đồng, tăng 17,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2023. Thị trường chứng khoán cũng đạt được những thành công ấn tượng với chỉ số VN-Index tăng 12,11% và giá trị vốn hóa tăng 14,3% so với năm trước. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục phục hồi với tổng giá trị phát hành đạt 466,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2023.

Tuy nhiên, ông Trần Phương cũng chỉ ra rằng thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng nợ xấu gia tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán thiếu bền vững và cần giải pháp tăng vốn. Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp khó khăn do niềm tin chưa phục hồi sau một số vụ việc trong mảng đầu tư liên kết và bồi thường bão Yagi.

Phân tích về bối cảnh vĩ mô của Việt Nam trong năm 2024, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng nêu ra 4 thách thức gồm: Đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp so với trước đại dịch Covid-19; Giải ngân đầu tư công quan trọng không đồng đều; Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào và logistics tăng ở mức cao, đơn hàng thiếu bền vững, yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao; Cơn bão Yagi đã tác động đến nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tài chính, dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng 100.000 tỷ đồng tương đương 0,7% tổng dư nợ, đồng thời thiệt hại với ngành bảo hiểm ước tính 10.620 tỷ đồng.

“Trong năm qua, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu của nền kinh tế, tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2024 ước khoảng 136%; huy động vốn từ thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực bao gồm phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu với mức tăng 37,6% so với mức tăng 13% của năm 2023. Động lực chính đến từ mức tăng trưởng kinh tế khả quan tăng 7,09%, niềm tin nhà đầu tư được cải thiện, kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán và công tác quản lý được thúc đẩy minh bạch an toàn hơn”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Triển vọng năm 2025

Với bối cảnh quốc tế dự báo sẽ có nhiều biến động trong năm 2025, nhất là với các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. TS. Cấn Văn Lực dự báo kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng khá, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ. Theo kịch bản cơ sở, nếu thuế đối ứng được giảm xuống khoảng 20-25%, tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 6,5-7%. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ đạt 14-15%.

53300bd65f70ec2eb561.jpg
TS. Cấn Văn Lực dự báo kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng khá, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ

Thị trường chứng khoán dự báo đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách thuế quan nhưng triển vọng tích cực trong trung - dài hạn với các biện pháp ứng phó kịp thời của Đảng, Chính phủ, kỳ vọng từ đột phá về thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy và điều chỉnh địa giới hành chính 2 cấp, cũng như kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025

Một điểm đáng chú ý là xu hướng dịch chuyển kênh cung ứng vốn được thúc đẩy do nhu cầu vốn từ nền kinh tế rất lớn, đặc biệt là vốn trung - dài hạn trong bối cảnh tín dụng ngân hàng, nhất là tín dụng trong dài hạn có giới hạn nhất định; niềm tin nhà đầu tư cải thiện từ các quy định tăng minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi (2024).

“Về lãi suất, với năm 2025 theo kịch bản cơ sở, chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn neo quanh vùng lãi suất thị trường mở của NHNN khoảng 3,5 - 4,5% (với kỳ hạn ON và 1 tuần); lãi suất huy động bình quân sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ, lãi suất cho vay cũng được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹ khoảng 0,1 - 0,3 điểm %”, vị chuyên gia dự báo.

Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các chuyên gia đánh giá là đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2019-2021, với khối lượng phát hành tăng trưởng hơn 50% mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng và hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến nhiều vấn đề như rủi ro trái phiếu và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Mặc dù vậy, với những chính sách điều tiết từ Chính phủ và Bộ Tài chính, thị trường TPDN đang có dấu hiệu phục hồi trong năm 2023-2024.

Theo các chuyên gia, muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam nói chung, một trong những đề xuất quan trọng là việc thực hiện các biện pháp cải cách thể chế mạnh mẽ, tinh gọn tổ chức và bộ máy quản lý, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với các đối tác quốc tế. Các chính sách cần chú trọng đến việc phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn trung – dài hạn lên hệ thống ngân hàng.

Thị trường trái phiếu cũng cần được phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào việc cải thiện quy định pháp lý, nâng cao chất lượng nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường giám sát thị trường. Chính phủ cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động tài chính, hướng đến việc phát triển tài chính xanh và phát triển bền vững.

Có thể thấy, việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường tài chính là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh quốc tế biến động. Các khuyến nghị chính sách từ các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các cải cách mạnh mẽ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống tài chính, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định trong dài hạn.

Diễm Ngọc