Nghiên cứu - Trao đổi

Kinh tế tư nhân vẫn bị lấn át bởi cái bóng kế hoạch hóa

Gia Linh 22/04/2025 14:04

“Dù được xác định là động lực tăng trưởng, nhưng kinh tế tư nhân vẫn bị bao trùm bởi cái bóng rất lớn của cơ chế kế hoạch hóa…”.

Đó là ý kiến được TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu tại một tọa đàm chuyên đề về cải cách môi trường kinh doanh vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo ông, những tồn tại mang tính hệ thống trong thể chế đang khiến khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều cản trở trong quá trình phát triển.

Thể chế vận hành nửa vời, tư nhân bị cản bước

kinh-te-tu-nhan-van-bi-lan-at-boi-cai-bong-ke-hoach-hoa-1.png
TS Võ Trí Thành cho rằng kinh tế tư nhân vẫn bị bao trùm bởi cái bóng rất lớn của cơ chế kế hoạch hóa. Ảnh: X.Đ

Theo nhận định của TS Võ Trí Thành, hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành hiện nay vẫn còn nặng tính can thiệp hành chính. Chính sách được xây dựng thiếu tính tham vấn thực chất với doanh nghiệp, trong khi khung pháp lý lại thay đổi nhanh và thường chậm được hướng dẫn triển khai. Theo ông, điều này khiến môi trường kinh doanh thiếu tính ổn định và dự đoán, làm giảm niềm tin cũng như động lực đầu tư dài hạn của khu vực tư nhân.

Ông nhấn mạnh rằng nếu Nhà nước vẫn duy trì cách điều hành mang nặng yếu tố kiểm soát, thì dù có khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trên văn kiện, thực tế vẫn sẽ là một sân chơi không cân bằng. Khu vực tư nhân khó có thể lớn mạnh nếu tiếp tục chịu rủi ro chính sách cao, thiếu bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và thị trường.

Từ thực tế hoạt động doanh nghiệp, nhiều khảo sát độc lập gần đây cũng cho thấy những rào cản thể chế vẫn đang ảnh hưởng đáng kể đến khu vực kinh tế tư nhân. Không ít doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, tín dụng và cơ hội tham gia vào các dự án đầu tư công. Dù cơ chế “xin - cho” đã nhiều lần được chỉ rõ là bất cập, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.

Việc triển khai các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được một số hiệp hội doanh nghiệp đánh giá là còn chậm trễ, chưa đồng đều và đôi khi chưa đúng đối tượng. Có hiện tượng doanh nghiệp ngại lớn mạnh vì lo ngại càng phát triển thì càng bị “soi kỹ”, trở thành mục tiêu của các đợt thanh tra, kiểm tra kéo dài và phức tạp.

Sự thiên lệch trong chính sách đang triệt tiêu năng lực nội sinh

kinh-te-tu-nhan-van-bi-lan-at-boi-cai-bong-ke-hoach-hoa-2.png
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng chính sách hiện hành đang tạo nên một “sân chơi lệch”, khiến doanh nghiệp tư nhân chịu nhiều thiệt thòi ngay trên chính thị trường nội địa. Ảnh: X.Đ

Cũng chia sẻ về nội dung này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng chính sách hiện hành đang tạo nên một “sân chơi lệch”, khiến doanh nghiệp tư nhân chịu nhiều thiệt thòi ngay trên chính thị trường nội địa. Theo bà, trong khi doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo về nguồn lực và được ưu ái trong tiếp cận dự án, thì khu vực đầu tư nước ngoài lại hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi đặc biệt, từ miễn giảm thuế, thuê đất đến hạ tầng được đầu tư công.

“Doanh nghiệp tư nhân, nhất là khối nhỏ và vừa, đang chịu sự cạnh tranh không công bằng từ hai phía. Một bên là các doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực lớn, một bên là các nhà đầu tư ngoại được hỗ trợ đặc biệt. Phần còn lại, tức khối doanh nghiệp nội địa tư nhân, lại phải tự xoay sở trong một môi trường không thuận lợi” – bà Lan phân tích.

Theo bà, Việt Nam không nên đánh giá hiệu quả đầu tư chỉ dựa vào vốn đăng ký hay số lượng dự án FDI, mà cần tính đến mức độ đóng góp thực chất cho nền kinh tế. Trong đó bao gồm thuế nộp vào ngân sách, mức độ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và khả năng kết nối với doanh nghiệp trong nước. Nếu tiếp tục ưu ái FDI mà không xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nội địa đúng mức, thì nền kinh tế sẽ mất dần khả năng tự chủ, còn năng lực nội sinh thì bị triệt tiêu.

kinh-te-tu-nhan-van-bi-lan-at-boi-cai-bong-ke-hoach-hoa-3.jpg
Nếu “cái bóng kế hoạch hóa” vẫn tiếp tục bao phủ tư duy điều hành, thì khu vực tư nhân, dù có tiềm năng cũng khó có thể vươn lên trở thành trụ cột phát triển. Ảnh minh hoạ

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề này, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định cho rằng, muốn khơi thông động lực phát triển, điều tiên quyết là phải thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng minh bạch, ổn định và công bằng. Cơ quan quản lý cần chuyển từ vai trò can thiệp sang kiến tạo, hạn chế sự chồng chéo chức năng giữa các bộ ngành, đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật nhất quán, dễ dự báo.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh và thực chất, tránh tình trạng nắm giữ nguồn lực lớn nhưng hiệu quả thấp. Chính sách ưu đãi đầu tư cũng phải được rà soát toàn diện, nhằm đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt quốc tịch doanh nghiệp mà dựa trên mức độ đóng góp thực tế.

Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên, nếu “cái bóng kế hoạch hóa” vẫn tiếp tục bao phủ tư duy điều hành, thì khu vực tư nhân, dù có tiềm năng cũng khó có thể vươn lên trở thành trụ cột phát triển. Tự chủ kinh tế không thể đến từ bên ngoài, mà phải bắt đầu bằng việc giải phóng nguồn lực trong nước, với một hệ thống thể chế thực sự thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn bài bản, minh bạch và bền vững.

Gia Linh