Kinh tế thế giới

Giải pháp tài chính cho Việt Nam giữa biến động toàn cầu

Trường Đặng 22/04/2025 15:06

Thị trường tài chính Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều thách thức ngoại sinh, nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển một thị trường toàn diện và cân đối cho tương lai.

0j7a4859.jpg
TS Cấn Văn Lực dự báo kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,5 - 7% trong 2025 nếu đàm phán với Mỹ thuận lợi (Ảnh: BIDV)

Báo cáo “Thị trường Tài chính Việt Nam 2024 và Triển vọng 2025” do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, nêu rõ các xu hướng và khuyến nghị chính sách quan trọng.

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đại diện nhóm nghiên cứu, triển vọng năm 2025 cho thấy các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU đều có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tác động đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn. Kịch bản cơ sở dự báo GDP Mỹ giảm khoảng 1%, Trung Quốc giảm 0,6% nếu căng thẳng thương mại tiếp diễn.

Trong bối cảnh đó, GDP Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6,5 – 7% nếu Việt Nam đạt được các thỏa thuận thương mại với Mỹ để giảm thuế xuống mức 20 – 25%. Dù GDP thấp hơn mục tiêu đề ra, đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực so với mặt bằng chung toàn cầu. Lạm phát dự báo ở mức 4 – 4,5%.

Chứng khoán tăng trưởng xen kẽ rủi ro ngoại sinh

Sau năm 2024 tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ biến động mạnh do ảnh hưởng từ bên ngoài như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột thương mại. Dù trong nước có tín hiệu tích cực từ cải cách thể chế và kỳ vọng nâng hạng thị trường, rủi ro vẫn hiện hữu.

Dù vậy, báo cáo của BIDV cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 15 – 20%, tạo nền tảng hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nếu không được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, sẽ chịu tác động tiêu cực. Ngoài ra, xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu – một trụ cột lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Trái phiếu với rủi ro lãi suất toàn cầu

Thị trường trái phiếu Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều áp lực từ cả trong và ngoài nước. Về quốc tế, dù các nền kinh tế phát triển (trừ Nhật Bản) có xu hướng cắt giảm lãi suất, rủi ro lạm phát gia tăng do thuế quan có thể khiến các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Ông Cấn Văn Lực lưu ý nếu lạm phát toàn cầu kéo dài, Fed có thể áp dụng chính sách “diều hâu”, khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi và đẩy chi phí vay vốn tại Việt Nam tăng lên. Trong nước, áp lực tái tài trợ trái phiếu, nhất là của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng – nhóm phát hành lớn – sẽ là điểm nghẽn lớn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị chi phối bởi phát hành riêng lẻ và phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân, dễ tổn thương trước biến động tâm lý thị trường và các rào cản pháp lý ngày càng siết chặt.

Tỷ giá nhạy cảm trước biến động toàn cầu

Năm 2024, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 4,8% so với USD do đà tăng của đồng bạc xanh. Bước sang 2025, tỷ giá USD/VND được dự báo tiếp tục dao động trong biên độ 3 – 4%, phản ánh thế giằng co giữa các yếu tố quốc tế và nội địa.

Đồng USD có thể tiếp tục mạnh nếu Mỹ duy trì chính sách kích thích hoặc tăng lãi suất. Ngược lại, các diễn biến kinh tế toàn cầu hoặc chính sách điều hành trong nước có thể khiến USD hạ nhiệt. Báo cáo cảnh báo rủi ro từ dòng vốn toàn cầu biến động mạnh và sự khó lường của chính sách thương mại quốc tế sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá và dòng vốn vào Việt Nam.

0j7a5044.jpg
Các chuyên gia đã đưa ra một loạt các khuyến nghị nhằm thúc đẩy thị trường vốn, làm động lực cho nền kinh tế giữa bối cảnh khó khăn (Ảnh: BIDV)

Hàm ý chính sách - Tăng sức chống chịu và phát triển bền vững

Trước môi trường toàn cầu nhiều rủi ro, báo cáo của BIDV và ADB nhấn mạnh vai trò chủ động của chính sách vĩ mô trong nước. Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Một ưu tiên chính sách là tăng cường quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Báo cáo khuyến nghị thúc đẩy đàm phán thương mại, tăng nhập khẩu từ Mỹ và minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa để cải thiện cán cân thương mại và giảm áp lực từ các rào cản thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và tập trung phát triển thị trường nội địa để nâng cao khả năng tự chủ.

Để xây dựng một hệ thống tài chính bền vững và giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển một thị trường tài chính toàn diện và cân đối. Trong đó, việc phát triển hài hòa giữa thị trường vốn và tín dụng ngân hàng được xem là trọng tâm, nhằm phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực trong nền kinh tế.

Một trong những bước đi quan trọng là đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán, từ đó thu hút thêm dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Song song, cần tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường thứ cấp, cùng với việc xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch về tài sản bảo đảm, giúp tăng tính thanh khoản và an toàn cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các nhóm nhà đầu tư và nâng cao chất lượng của họ cũng là một nhiệm vụ thiết yếu. Cùng với đó là sự tăng cường năng lực giám sát và quản lý rủi ro trên toàn hệ thống, đảm bảo thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.

Cuối cùng, báo cáo cũng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của tài chính xanh, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu tài chính. Đây là những xu thế tất yếu, đồng thời cũng là ưu tiên chiến lược, phù hợp với định hướng lớn đã được đề ra trong Nghị quyết 57/2024/NQ-TW của Đảng.

Trường Đặng