Dòng vốn tháo chạy khỏi Mỹ giữa căng thẳng thuế quan
Căng thẳng thuế quan và chính trị trong nước Mỹ khiến nhà đầu tư đồng loạt rút vốn khỏi Mỹ, đẩy vàng tăng vọt, đồng USD và chứng khoán lao dốc.

Mâu thuẫn nội bộ chưa từng có
Các thị trường chứng khoán châu Á và phần còn lại đang chịu sức ép lớn sau khi phố Wall sụt giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Đồng USD, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu Mỹ đồng loạt bị bán tháo, cho thấy sự bất an ngày càng tăng trong giới tài chính toàn cầu.
Tâm lý hoảng loạn phần lớn bắt nguồn từ những phát biểu công khai gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell.
Ông Trump tuyên bố rằng lạm phát tại Mỹ “gần như không còn tồn tại”, đồng thời thúc giục Fed phải hành động nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất.
Đáng chú ý, ông chủ Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc khả năng sa thải ông Powell – một bước đi cực kỳ hiếm hoi và nếu xảy ra, sẽ làm lung lay nền tảng độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ, vốn là trụ cột trong ổn định chính sách kinh tế.
Chuyên gia Michael Brown, chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone, cảnh báo: “Nếu ông Powell bị sa thải, phản ứng ban đầu sẽ là làn sóng rút vốn khỏi tài sản Mỹ ở quy mô chưa từng có. Không chỉ sự độc lập của Fed bị đe dọa, mà viễn cảnh phi đô la hóa và sự suy yếu vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu đang trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.”
Đồng quan điểm, ông Christopher Wong – chiến lược gia tiền tệ tại ngân hàng OCBC (Singapore) – cho rằng động thái này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Fed và lòng tin vào đồng USD.
“Việc sa thải ông Powell sẽ là điều khó tin, nhưng nếu xảy ra, uy tín của Fed sẽ bị tổn hại và kéo theo sự bất ổn lớn cho đồng tiền này.”
Căng thẳng từ bên ngoài kích thích thị trường
Không chỉ bất ổn nội bộ, các yếu tố đối ngoại cũng đang tạo thêm áp lực lớn lên thị trường Mỹ. Mới đây, Trung Quốc phát đi cảnh báo rằng các quốc gia không nên ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ nếu điều đó phương hại đến lợi ích của Bắc Kinh – động thái cho thấy căng thẳng thương mại ngày càng gay gắt và có nguy cơ gây tác động cho các quốc gia ngoài cuộc.

Cùng lúc đó, giới đầu tư toàn cầu bắt đầu nói nhiều hơn đến khả năng “phi đô la hóa” – tức sự dịch chuyển ra khỏi đồng USD như đồng tiền dự trữ chủ đạo. Nguy cơ này không còn mang tính lý thuyết khi ngay cả các nhà đầu tư kỳ cựu như Paul Singer, người sáng lập quỹ Elliott Management, cũng đưa ra cảnh báo tại một sự kiện kín gần đây.
Phản ứng của thị trường là ngay lập tức và dữ dội. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 cùng các chỉ số chính khác giảm mạnh gần 2,5%. Đồng thời, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh – lao dốc xuống mức thấp nhất trong 15 tháng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 4,41%, không phải vì kỳ vọng tăng trưởng, mà do lực bán tháo mạnh mẽ từ nhà đầu tư.
Trong khi đó, dòng vốn đang nhanh chóng tìm đến các tài sản trú ẩn. Giá vàng lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.500 USD/ounce – mức cao chưa từng có. Đồng franc Thụy Sĩ tăng khoảng 1% so với USD, còn yên Nhật giữ ổn định. Những diễn biến này khẳng định tâm lý rời bỏ tài sản rủi ro và quay về tài sản an toàn đang bao trùm thị trường.
Không chỉ thị trường chứng khoán, tín dụng doanh nghiệp Mỹ cũng chịu ảnh hưởng. Chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) đối với trái phiếu chất lượng cao tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần.
Thị trường dầu mỏ cũng phản ứng tiêu cực, với giá dầu WTI giảm gần 2% xuống dưới 64 USD/thùng. Trong khi đó, thị trường châu Âu vẫn yên ắng phần lớn do nghỉ lễ, nhưng giới quan sát cho rằng những cơn sóng từ Mỹ sẽ sớm lan rộng.