Du lịch

Điểm nhấn Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn

Nguyệt Hà 22/04/2025 16:28

Với khoảng 200 hang động kỳ thú, nhiều thác nước đẹp, tỉnh Lạng Sơn đang có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch Công viên địa chất.

Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều hang động kỳ thú là kết quả của các dòng sông chảy ngầm trong quá khứ như Thẩm Khoách, Lắc, hang Dơi cùng rất nhiều hang động chứa di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử rất có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, hang Kéo Lèng, hang Gió, hang động Nhị - Tam Thanh…

Bên cạnh giá trị về địa chất, địa mạo, Công viên địa chất Lạng Sơn còn gây ấn tượng mạnh mẽ về giá trị di sản văn hóa. Đời sống tâm linh tại Công viên địa chất Lạng Sơn bắt nguồn sâu xa từ đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như: Đền Bắc Lệ (Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (Chi Lăng); chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)…

Lãnh đạo huyện Văn Quan tiếp Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Văn Quan
Lãnh đạo huyện Văn Quan tiếp Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Văn Quan.

Công viên địa chất Lạng Sơn trải rộng trên toàn bộ phạm vi địa giới hành chính các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần huyện Cao Lộc. Tổng diện tích 4.842,58km2, dân số khoảng 627.500 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Đây là một trong những Công viên địa chất lớn nhất Việt Nam.

Hiện nay, Công viên địa chất Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan với chủ đề: “Tiến hóa sự sống nơi miền đất thiêng”. Các tuyến du lịch lịch này đang được triển khai trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Mới đây, tại phiên họp lần thứ 221 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 17/4/2025, UNESCO đã chính thức công bố Danh sách 16 CVĐC toàn cầu mới, trong đó có CVĐC Lạng Sơn, đưa tổng số CVĐC toàn cầu UNESCO trong mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO lên 229 tại 50 quốc gia.

Theo nội dung giới thiệu của UNESCO về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, nằm giữa những đỉnh núi đá vôi ở miền bắc Việt Nam, Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Lạng Sơn kể một câu chuyện đáng chú ý về sự thay đổi của biển, phun trào núi lửa và hệ sinh thái đang phát triển. CVĐC là một kho lưu trữ tự nhiên, lưu giữ bằng chứng về sự tiến hóa của sự sống qua nhiều thời đại.

Một trong những địa điểm địa chất đáng chú ý của CVĐC là Trũng Na Dương - một vùng trũng tự nhiên mang đến cái nhìn hiếm có về môi trường Đông Nam Á cách đây khoảng 40 đến 20 triệu năm. Các hóa thạch được tìm thấy ở đây cho thấy một hệ sinh thái nhiệt đới tươi tốt, giàu thực vật và động vật, đồng thời cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách động vật có vú di chuyển giữa các lục địa. Địa chất đặc biệt của khu vực này cũng ảnh hưởng đến nông nghiệp địa phương, với đất giàu khoáng chất hỗ trợ các loại cây trồng như Na và Hồi. Khối núi đá vôi Bắc Sơn – một dãy núi nổi bật được hình thành từ các trầm tích đáy biển cổ đại – hé lộ dấu vết của một số cư dân đầu tiên của Việt Nam, với các công cụ bằng đá, đồ tạo tác bằng gốm và các địa điểm chôn cất cung cấp cái nhìn tổng quan về cuộc sống thời tiền sử.

Các tuyến du lịch lịch này đang được triển khai trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng
Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn.

Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển du lịch bền vững của tỉnh, kết nối Lạng Sơn với các đối tác trong mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển bền vững chung, tạo thêm động lực, cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tỉnh Lạng Sơn tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài ra, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn sở hữu những giá trị độc đáo, tiêu biểu, nổi bật có thể đóng góp, bổ sung quan trọng vào chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống Công viên địa chất toàn cầu.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Hoàng Xuân Thuận cho biết, đây là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn và thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan thông tin, truyền thông cả trong nước và quốc tế.

Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về việc tham dự Hội nghị quốc tế về CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 11 năm 2025 và đón Bằng Danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO (được tổ chức tại Chi Lê vào tháng 9/2025) và các nhiệm vụ để bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.

Nguyệt Hà