Du lịch

Hải Phòng: Đưa du lịch đường thuỷ thành sản phẩm chủ lực

Bùi Hiền 22/04/2025 20:37

Với những lợi thế về đường thuỷ, Hải Phòng đang định hướng đưa du lịch đường thuỷ trở thành sản phẩm thế mạnh đặc trưng, mang tầm quốc gia và quốc tế.

Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tại Hội thảo Phát triển Du lịch đường thuỷ tại Hải Phòng: Cơ sở và Khoa học, định hướng và giải pháp vừa qua.

hoi-thao-du-lich.jpg
Toàn cảnh hội thảo Phát triển Du lịch đường thuỷ tại Hải Phòng: Cơ sở và Khoa học, định hướng và giải pháp

Hải Phòng - thành phố của những dòng sông

Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất miền Bắc với hơn 50 con sông. Bốn phía của thành phố cảng là những dòng sông với gần 100 cây cầu đang nối đôi bờ. Bởi vậy, Hải Phòng được mệnh danh là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện, trên thành phố có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng nhất là: sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.

Song, hiện nay, TP Hải Phòng lại chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát. Chính vì vậy, loại hình du lịch này vẫn chưa thực sự được khai thác và đem lại hiệu quả kinh tế một cách triệt để.

ba-tran-thi-hoang-mai.jpg
Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phát biểu tại hội thảo

Lý giải cho việc này, bà Trần Thị Hoàng Mai chỉ rõ những cản trở đối với loại hình du lịch này là do hạ tầng giao thông đường thủy còn kém, đây là rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông. Các cảng, các bến tàu của Hải Phòng là cảng tổng hợp và hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch, tại nhiều điểm đến không có bến tàu. Chưa có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch đường sông đồng bộ. Cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ven sông, còn nhiều rác, bèo trên sông, cảnh quan ven sông đôi chỗ còn nhếch nhác, bụi bẩn. Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông.

Định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực

Trong những năm tới đây, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đáng chú ý, phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, sinh thái sẽ là hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030.

Du lịch đường thủy cần được khai thác theo hướng tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho cả địa phương và các bên liên quan, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên, bảo vệ môi trường, duy trì trật tự xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân trên địa bàn…

Cụ thể, tại hội thảo, PGS. TS Phạm Hồng Long, đại diện Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, Hải Phòng cần phải quy hoạch đồng bộ hạ tầng du lịch đường sông và xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông. Đồng thời thu hút các nguồn lực để phục vụ hiệu quả cho loại hình dịch vụ này khi đi vào hoạt động. Các tuyến đường sông cần được nạo vét, mở rộng để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các hoạt động du lịch. Cần xây dựng các bến tàu, cầu cảng phù hợp, đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khách sạn, khu trải nghiệm ven sông, hệ thống chiếu sáng, các yếu tố ẩm thực đặc trưng... để nâng cao trải nghiệm cho du khách.

cang-vu-yen.jpg
Bến du thuyền đảo Vũ Yên, TP Hải Phòng được đánh giá hiện đại nhất miền Bắc hiện đang xây dựng được 90%

Để tạo nét đặc thù riêng, thời gian tới, thành phố cần nghiên cứu, mở tuyến du lịch sông - biển kết nối đô thị nội đô lịch sử với di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà. Đồng thời, mở các tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến văn hóa, lịch sử của Hải Phòng và kết nối các di sản của nền văn minh sông Hồng. Xây dựng các show diễn đẳng cấp quốc tế trên mặt sông, thiết kế những con tàu mang đặc trưng Hải Phòng và phù hợp với từng loại hình du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, để mỗi dòng sông Hải Phòng sẽ kể một câu chuyện lịch sử, chở đầy những giá trị văn hóa.

Mặt khác, Hải Phòng có 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia nên các tàu du lịch có thể đi di chuyển đến hầu hết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình… Việc tăng cường liên kết vùng, xây dựng các tour liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú.

Song, để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, cần sự chung tay của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, thu hút họ vào quá trình phát triển. Chính vì vậy, thành phố cần sớm có lộ trình rõ ràng, đưa ra các hướng dẫn, khung pháp lý để gắn kết mọi người cùng phát triển du lịch đường thủy cho Hải Phòng trong thời gian tới.

PGS, TS Đan Đức Hiệp – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Thành phố cần xây dựng và phê duyệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch đường thủy từ đầu tư ngân sách cho mở rộng các tuyến cũng như hỗ trợ việc đóng mới các phương tiện vận tải đường thủy. Bên cạnh đó, cung cấp các gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, giảm chi phí thuê bến cảng bến tàu… để Hải Phòng có thể đưa du lịch đường sông phát triển xứng tầm”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Du lịch đường sông phải là du lịch xanh và phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường sông nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong phát triển du lịch đường sông. Cần áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả khi đi vào khai thác”.

Cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cũng đã tổ chức Đoàn khảo sát trải nghiệm tại đảo Vũ Yên với mục tiêu đánh giá các điểm nổi bật của tuyến cảnh quan hành lang sông, sông - biển, địa điểm dự kiến xây dựng các bến tàu đón trả khách, các điểm tham quan trải nghiệm, điểm check in cho du khách, đánh giá mức độ hấp dẫn, an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, khảo sát tuyến du lịch cảnh quan dọc Sông Cấm - Sông Đá Bạc (Bạch Đằng Giang) - Sông Ruột Lợn với các bến như Cảng Hồng Bàng - Cảng Hoàng Diệu - Bến du thuyền Vũ Yên - Bến Bạch Đằng Giang - Cảng Cá Mắt Rồng - Cảng Hồng Bàng.

Bùi Hiền