Liên kết du lịch và hàng không cao điểm dịp lễ 30/4-1/5
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới được dự báo là sẽ vô cùng bùng nổ do nhu cầu tăng . Do đó, rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành du lịch và ngành hàng không.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng bay tăng cường khai thác, đặc biệt là khung giờ thấp điểm, bay đêm.
Cùng với đó, phần lớn chuyến bay trong khung thời gian từ ngày 25/4 đến 3/5 đều có giá vé cao, nhiều chuyến trong tình trạng khan hiếm hoặc đã hết vé. Cụ thể, chặng bay Hà Nội - TP HCM khứ hồi trong thời gian cao điểm có giá từ 5 - 7 triệu đồng tùy hãng và hạng vé.
Trong đó, Vietnam Airlines ghi nhận giá vé khứ hồi cao nhất, lên tới hơn 7 triệu đồng, trong khi Vietjet Air và Bamboo Airways dao động 5 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi.
Tình trạng "cháy vé" cũng xuất hiện ở nhiều đường bay du lịch khác như Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Nha Trang.

Liên kết để "cùng hưởng lợi"
Tại hội nghị về công tác phục vụ hàng không, du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tổ chức tại Khánh Hòa, Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, để thu hút du khách đến với các điểm du lịch, hàng không và du lịch cần “bắt tay” thật chặt trong việc xác định thị trường khách trọng điểm và thị trường mục tiêu. Từ đó, phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, đồng thời triển khai kế hoạch quảng bá, tiếp thị đồng bộ trên tất cả các kênh phân phối. Sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng du lịch sẽ là điều kiện để xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, giá cả hợp lý, giàu sức cạnh tranh, thu hút khách sử dụng và gia tăng mức chi tiêu tại điểm đến.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, để làm được điều này, địa phương cần đóng vai trò chủ trì, kết nối doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp hàng không phối hợp với nhau để xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn hạn và dài hạn, trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm. Không chỉ hàng không và lữ hành, các điểm đến cũng cần đưa ra chính sách giá ưu đãi hợp lý nhằm xây dựng các sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá trọn gói ưu đãi, bao gồm vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch…
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường mối liên kết giữa ngành Hàng không với ngành Du lịch trong việc phục vụ du khách để nâng cao chất lượng các dịch vụ và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Các hãng hàng không cần bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển của hành khách, hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến và duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách, tăng tỉ lệ chuyến bay đúng giờ; thông báo sớm kế hoạch tăng chuyến tới các cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không để chủ động thống nhất, bố trí nguồn lực phục vụ hành khách...
Cần thiết lập hệ thống chia sẻ dữ liệu
Tuy nhiên về lâu dài, cần thiết lập hệ thống chia sẻ dữ liệu du lịch giữa ngành Hàng không và ngành Du lịch. Đây không chỉ là ý tưởng, mà là một yêu cầu cấp thiết. Khi hàng không biết lượng khách sắp đến, du lịch có thể chuẩn bị đón tiếp và ngược lại. Không thể tiếp tục làm du lịch theo kiểu “gặp đâu tính đó”.
Hệ thống này cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn tình trạng bán vé, loại bỏ lừa đảo online, đưa ra các cảnh báo an toàn, gợi ý hành trình hợp lý và đồng bộ các dịch vụ. Bài học từ các nước phát triển là rất rõ: Khi dữ liệu được kết nối thì rủi ro được giảm thiểu.

Cùng quan điểm trên, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, nhằm tiếp sức cho ngành du lịch và hàng không, các đơn vị trong ngành có thể cùng kết hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch trọn gói/bán trọn gói với hình thức mới, mức giá mới, phù hợp với mong muốn được quay trở lại trải nghiệm của khách hàng một cách an toàn, tiện lợi. TS Bùi Doãn Nề cho rằng: "Sự phát triển của ngành hàng không luôn song hành với sự phát triển của ngành du lịch".
Để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, các cơ quan quản lý, các địa phương, đặc biệt là Cục Du lịch Quốc gia, Bộ VH-TT-DL trong việc phát động điểm đến Việt Nam với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và bài bản.