Nghiên cứu - Trao đổi

Cần có luật riêng về xử lý nợ xấu

Yến Nhung 23/04/2025 11:05

Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo tính hệ thống.

Sau hơn 6 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, góp phần thúc đẩy xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đưa tài sản “bất động” trở lại phục vụ nền kinh tế.

Các thủ tục vay vốn từ ngân hàng, Quỹ tín dụng cần thông thoáng hơn, bỏ bớt các điều kiện không cần thiết - Ảnh: ITN
Nghị quyết 42 hết hiệu lực đang gây nhiều trở ngại trong xử lý nợ xấu - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2024, Nghị quyết này đã chính thức hết hiệu lực, trong khi một số quy định cốt lõi vẫn chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Khoảng trống pháp lý này đang gây nhiều trở ngại trong xử lý nợ xấu, làm gián đoạn dòng chảy tín dụng và ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Xoay quanh vấn đề này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, khi thiếu nền tảng pháp lý đủ mạnh, quá trình thu hồi tài sản bảo đảm đang vấp phải nhiều rào cản.

“Tâm lý chây ì, không chịu trả nợ có xu hướng quay trở lại, làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa kinh doanh và làm xấu đi quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo đó, ông Bình đề xuất, cần luật hóa rõ ràng quyền thu giữ tài sản, coi đây là quyền đương nhiên trong quan hệ tín dụng, được pháp luật bảo vệ - tương tự như tại nhiều quốc gia khác.

“Việc ký kết hợp đồng tín dụng đồng nghĩa với sự đồng thuận dân sự; nếu bên vay vi phạm thì quyền thu giữ tài sản cần được thực thi nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, các thủ tục như kê biên, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm cần được quy định minh bạch, có giá trị pháp lý đủ mạnh để tránh tình trạng thỏa thuận hình thức”, chuyên gia này đề nghị.

Về phương án thể chế hóa, ông Bình cho rằng, dù sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hay xây dựng một đạo luật riêng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Điều này không chỉ phục vụ cho việc xử lý nợ xấu trước mắt mà còn là nền tảng thiết lập trật tự, kỷ cương lâu dài trong hoạt động tín dụng.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, việc luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết, song các quy định cần bảo đảm tính minh bạch, bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên, tạo điều kiện để các bên thực hiện tốt quyền, lợi ích của mình và phải có cơ chế giám sát. Đặc biệt quan trọng là các quy định phải có tính tương thích với hệ thống pháp luật và phải khả thi. Về lâu dài, cần có một luật chung về việc xử lý các khoản nợ nói chung trong nền kinh tế.

heo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh - Ảnh: ITN
Về lâu dài, cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo tính hệ thống - Ảnh: ITN

Đồng tình với việc cần tiến tới một luật riêng cho vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhận định, giao kết với ngân hàng cũng là một giao kết thương mại dân sự. Chẳng hạn, các hợp đồng năng lượng cũng quan trọng vì giá trị tới hàng tỷ USD, nếu không tuân thủ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các bên. Do đó, khó có thể nói rằng, giao kết với ngân hàng thương mại lại quan trọng hơn so với những giao kết khác, và từ đó đặt ra yêu cầu phải có những chế định pháp lý ưu việt hơn.

Theo ông Tuấn, Việt Nam đang xây dựng Nghị quyết về kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do hợp đồng, đây là những vấn đề cần được thiết kế và thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

“Dưới góc nhìn của tôi, nợ xấu ngân hàng ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, đến nguồn vốn, việc sử dụng nguồn lực xã hội, năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, nợ xấu không chỉ diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng mà còn ở rất nhiều ngành khác, như xây dựng, nông nghiệp… Do đó, cần nhìn nhận đây là vấn đề lớn của nền kinh tế và tốt nhất là nên có luật riêng về xử lý nợ xấu, có thể chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, thay vì đưa các chế định vào Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Yến Nhung