Doanh nghiệp

"Chìa khoá" chinh phục "chân trời mới" của phát triển bền vững

Bài - Ảnh: Thy Hằng 23/04/2025 15:31

Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định, sự hợp tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp FDI là “chìa khóa” chinh phục những “chân trời mới” của sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại “Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Việt Nam – Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là thu hút và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực đầu tư nước ngoài (FDI)…

“Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Việt Nam – Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 23/4.
“Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Việt Nam – Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 23/4.

Điểm đến tin cậy cho dòng vốn FDI

Theo đó, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết, kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, quan điểm của Đảng về FDI luôn nhất quán và xuyên suốt. Điều này được thể hiện qua các kỳ đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề, nhất là Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị Khoá XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

FDI luôn được coi là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển. “Suốt gần 4 thập kỷ qua, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính mạnh mẽ, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng của kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực”, Phó Trưởng Ban Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.

Đồng thời nhận định, chính nhờ những nỗ lực liên tục đó, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, thu hút hàng nghìn dự án đầu tư, trong đó có những dự án chất lượng cao từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Một vài con số và minh chứng cụ thể:

Theo đó, tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 510 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, Foxxcon, Amkor…

c0f2c37c60ced3908adf.jpg
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu tại Diễn đàn.

Riêng năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, khu vực FDI đã góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động.

“Có thể thấy, trong 40 đổi mới vừa qua, FDI đã góp phần giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trở thành một trung tâm sản xuất và chế tạo ở châu Á, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Dù vậy, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn có nhiều hạn chế trong thu hút và sử dụng hiệu quả FDI ở Việt Nam. Theo đó, dù số lượng dự án FDI tăng nhanh, nhưng các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn còn khá hạn chế.

Thứ hai, thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị.

Thứ ba, những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế ….. vẫn đang là trở ngại lớn, tạo ra gánh nặng tuân thủ cao, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, các nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thứ năm, vẫn còn xảy ra hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề "đội lốt, tráng men xuất xứ" sản phẩm.

Chiến lược chọn lọc “đại bàng”

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, thế giới đang có những thay đổi nhanh, mạnh, khó lường dưới tác động của cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ giữa các nước lớn; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

“Tất cả những điều đó đang làm dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; thay đổi dòng vốn FDI theo hướng giảm phụ thuộc vào một quốc gia; gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, trí tuệ nhân tạo; gắn với ESG, năng lượng tái tạo, giảm phát thải; coi trọng yếu tố an toàn chuỗi cung ứng và ổn định chính trị”, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, với thị trường gần 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo và mức tiêu dùng tăng nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có 17 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP.

“Là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với tỷ lệ kim ngạch thương mại/GDP đạt gần 200% cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, ổn định chính trị và chính sách ưu đãi cạnh tranh, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp FDI với cơ hội tiếp cận thuận lợi các thị trường rộng lớn, giảm đáng kể chi phí và rào cản thương mại; kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó Trưởng Ban Nguyễn Hồng Sơn nhận định.

Thêm vào đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tăng tốc phát triển nhằm đạt được 02 mục tiêu 100 năm đã đặt ra đến năm 2030 và năm 2045; cố gắng vượt qua nguy cơ tụt hậu và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, tất cả những mục tiêu và giải pháp định hướng mới đang đặt ra những yêu cầu mới đối với chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI theo hướng chuyển từ "thu hút đại trà" sang "chọn lọc, chiến lược, có giá trị gia tăng cao"; ưu tiên FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo liên kết chuỗi, có trung tâm R&D, hỗ trợ công nghiệp nền tảng; thay đổi chính sách quản lý và sử dụng FDI thông qua việc áp dụng cơ chế hậu kiểm, đánh giá định kỳ và có chế tài rút ưu đãi nếu vi phạm; tăng cường tính kết nối giữa FDI và khu vực kinh tế trong nước; phát triển hạ tầng chiến lược và nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy đầu tư vào các vùng, miền, nhất là miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL; tăng cường quản trị FDI và chống chuyển giá, đầu tư núp bóng…

dsc_0825.jpg
“Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Việt Nam – Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đặc biệt, để thảo luận về những vấn đề quan trọng đối với chiến lược FDI của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, Phó Trưởng Ban Nguyễn Hồng Sơn mong muốn các đại biểu, các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận, làm rõ về một số vấn đề, một là, cần có những giải pháp đột phá nào để có thể bắt nhịp được với xu hướng mới của dòng vốn FDI và nâng cao được chất lượng FDI vào Việt Nam? Làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và đổi mới sáng tạo, có chuyển giao công nghệ và có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế? Điều này rất quan trọng bởi vì, thu hút FDI chất lượng cao là phù hợp với xu thế phát triển chung và góp phần giúp Việt Nam đổi mới được mô hình tăng trưởng, nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hai là, đâu là những rào cản lớn nhất làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh? cần có những giải pháp cụ thể, đột phá nào để xoá bỏ các rào cản này và cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam? Việt Nam cần có những thể chế mang tính đột phá, vượt trội nào để có thể thu hút được FDI vào những lĩnh vực mới gắn với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cụ thể như vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là chíp bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… hay trung tâm tài chính quốc tế....

Ba là, cần có những giải pháp nào để có thể phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển được các trung tâm R&D và nâng cấp được cơ sở hạ tầng gắn với chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để có thể đáp ứng được yêu cầu của FDI trong những ngành nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Bốn là, đâu là những rào cản đối với việc liên kết khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước và cần có những giải pháp nào để thúc đẩy sự liên kết này? Điều này rất quan trọng, bởi vì, sự liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; nâng cao được năng lực cạnh tranh và tạo ra được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ vững mạnh.

Năm là, các doanh nghiệp FDI sẽ có những đóng góp gì để góp phần cùng với Việt Nam vượt qua được những thách thức có liên quan đến thuế quan từ phía Hoa Kỳ hiện nay?

Sáu là, cần có những giải pháp nào để các doanh nghiệp FDI có thể góp phần giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu như giảm sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền; giữa thành thị và nông thôn…giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới phát thải ròng bằng không…

Trong bối cảnh đầy biến động và thách thức hiện nay, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định, đây là thời điểm đòi hỏi sự đồng hành chặt chẽ hơn bao giờ hết giữa Đảng, Nhà nước Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để kiến tạo những giá trị mới.

“Chúng ta không thể đi xa nếu đi riêng rẽ và chỉ có thể bứt phá khi cùng nhau chung vai, sát cánh. Sự hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp FDI, nếu được xây dựng trên nền tảng niềm tin chiến lược và tầm nhìn dài hạn, sẽ là chìa khóa để chúng ta cùng vượt qua những thách thức và cùng chinh phục những “chân trời mới” của sự phát triển bền vững, sáng tạo và thịnh vượng”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Bài - Ảnh: Thy Hằng