Phát triển kinh tế số từ chuỗi cung ứng công nghệ cao
Chuỗi cung ứng công nghệ cao trở thành đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế số bền vững, sáng tạo.
Đây là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế số một cách bền vững, sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc - một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.

Tại diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC (Bộ Tài chính) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Là một trong những địa phương năng động, sáng tạo, Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số như vị trí chiến lược nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp Hà Nội, có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ cùng hệ sinh thái công nghiệp đa dạng.
Cùng với một số địa phương trong vùng, Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Toyota, Honda, Piaggio, Compal… Đặc biệt, với định hướng chiến lược trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistics, đô thị thông minh và dịch vụ hiện đại, những năm gần đây Vĩnh Phúc từng bước chuyển dịch sang mô hình phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tận dụng lợi thế của các chuỗi cung ứng công nghệ cao, Vĩnh Phúc đang hướng đến mục tiêu kiến tạo mô hình kinh tế số mang tính địa phương hóa từ nền tảng công nghệ cao giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Cục Thống kê, với sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh, thành có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP cao nhất cả nước năm 2023.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhấn mạnh: chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ mà là sự thay đổi toàn diện trong tư duy phát triển và vận hành. NIC với vai trò kết nối giữa Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và các tập đoàn công nghệ hàng đầu cùng xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo bền vững, bắt đầu từ những địa phương có tiềm năng như Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia tại diễn đàn đề xuất các chính sách hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm lĩnh vực kinh tế số; đề xuất các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hệ sinh thái kinh tế số; tạo điều kiện để các start-up công nghệ tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ địa phương và quốc tế…
Trong tương lai gần, khi các trung tâm sản xuất của Việt Nam phải đối mặt với thách thức về quỹ đất, chi phí năng lượng, nhân lực và tiêu chuẩn môi trường, việc quản lý toàn diện - số hóa chuỗi giá trị vùng - sẽ là chìa khóa giúp các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng tầm chất lượng phát triển theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Vì vậy, đại diện các doanh nghiệp cũng đề giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuỗi cung ứng, từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu dùng thông minh.
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghệ cao như bán dẫn, AI, đại diện lãnh đạo tỉnh khẳng định: sẽ ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao trong thời gian tới với mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình chuyển đổi số, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến và hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế tri thức.