Chuyên đề

Tầm ảnh hưởng của 500 doanh nghiệp gia đình toàn cầu năm 2025

Lê Mỹ 24/04/2025 04:21

500 doanh nghiệp toàn cầu năm 2025 tạo ra tổng doanh thu tương đương với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Ông Robert (Bobby) Stover, Jr. - Lãnh đạo Dịch vụ và Văn phòng Doanh nghiệp Gia đình EY Khu vực Châu Mỹ, lần đầu giới thiệu bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên toàn cầu theo doanh thu được công bố công khai. Cụ thể, EY giới thiệu Chỉ số 500 Doanh nghiệp Gia đình Toàn cầu năm 2025 (2025 EY and University of St. Gallen Global 500 Family Business Index) do EY và Đại học St.Gallen (Thụy Sĩ) thực hiện. Đây là chỉ số được công bố hai năm một lần kể từ năm 2015, với mục đích cung cấp các tiêu chuẩn và hiểu biết quan trọng về bối cảnh doanh nghiệp gia đình toàn cầu.

Ông Robert (Bobby) Stover Jr 2
Ông Robert (Bobby) Stover, Jr., Lãnh đạo Dịch vụ và Văn phòng Doanh nghiệp Gia đình EY Khu vực Châu Mỹ

Trao đổi với báo giới về chủ đề Doanh nghiệp gia đình nhân các lãnh đạo EY có chuyến công tác tại Việt Nam, ông Robert cho biết, chỉ số năm 2025 thể hiện các điểm chính bao gồm:

Thứ nhất, về quy mô và tầm ảnh hưởng: 500 doanh nghiệp gia đình lớn nhất tạo ra tổng doanh thu 8,8 nghìn tỷ đô la Mỹ (tăng 10% so với năm 2023) và sử dụng 25,1 triệu lao động (tăng 2,2% so với năm 2023) trên toàn thế giới.

Nếu so sánh với GDP của các quốc gia, tổng doanh thu của họ tương đương với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, về phân bố địa lý: Các doanh nghiệp này có trụ sở tại 44 quốc gia/vùng lãnh thổ, với 47% ở Châu Âu, 29% ở Bắc Mỹ, 18% ở Châu Á và 6% ở các khu vực còn lại. Trong đó, Hoa Kỳ có số lượng doanh nghiệp lớn nhất trong chỉ số (116), tiếp theo là Đức (78) và Ấn Độ (17) ở Châu Á.

EY 1
Nguồn Chỉ số 500 Doanh nghiệp Gia đình Toàn cầu năm 2025, EY

Tương ứng với số lượng doanh nghiệp gia đình lớn nhất tập trung, Hoa Kỳ tạo ra tổng doanh thu cao nhất (2,6 nghìn tỷ đô la Mỹ), tiếp theo là Đức (1,66 nghìn tỷ đô la Mỹ) và Ấn Độ (513 tỷ đô la Mỹ) ở Châu Á.

Đối với hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), một trong những “vũ khí” được xem là hiệu quả để các doanh nghiệp có thể đạt tăng trưởng nhanh về quy mô, thị trường, tài sản, khách hàng… cũng như có thể lựa chọn mục đích “loại”/ “khóa” đối thủ cạnh tranh, thì lãnh đạo EY cho biết theo Chỉ số, ít nhất 47% các doanh nghiệp đã tham gia vào ít nhất một giao dịch M&A trong hai năm qua, với hơn 600 giao dịch được thực hiện, cho thấy M&A là một phần cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của họ. Mars Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ đã tiết lộ thỏa thuận đơn lẻ lớn nhất với một thương vụ mua lại trị giá 36,8 tỷ USD.

Về cơ cấu ngành, bảng xếp hạng thể hiện các ngành Bán lẻ và Sản phẩm Tiêu dùng chiếm ưu thế trong chỉ số, với tỷ lệ lần lượt là 19,8% và 19,4% số lượng công ty. Tiếp theo là Sản xuất Công nghệ cao (15%) và Giao thông vận tải (9,4%).

Đáng chú ý, mặc dù gọi là doanh nghiệp gia đình, nhưng tỷ lệ công ty đại chúng và tư nhân khá cao khi hơn một nửa số doanh nghiệp trong chỉ số (259) là công ty đại chúng. Tỷ lệ này theo EY, đã đảo ngược so với năm 2017.

Ảnh hưởng của gia đình tại các doanh nghiệp khá lớn với tại hơn 40% doanh nghiệp, một thành viên gia đình cũng giữ vị trí CEO.

Trong khi đó, về tuổi đời, 84% các doanh nghiệp gia đình được giới thiệu trong chỉ số đã hoạt động hơn 50 năm. Một phần ba (1/3) các công ty trong bảng xếp hạng có tuổi đời trên 100 năm tuổi. Công ty gia đình lâu đời nhất trong chỉ số là Takenaka Corporation (Nhật Bản) với 414 năm tuổi.

Hiệu suất Doanh thu và Năng suất lao động được phản ánh qua doanh thu trung bình hàng năm của các doanh nghiệp trong chỉ số là 17,6 tỷ đô la Mỹ. Năng suất lao động đã tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2017.

Bóc tách riêng tại khu vực Châu Á, ông Robert cho biết có 89 công ty có trụ sở tại Châu Á góp mặt trong chỉ số (18%). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Châu Á đạt 1,62 nghìn tỷ đô la Mỹ. Họ sử dụng tổng cộng 5,43 triệu lao động. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới và khu vực cũng là nơi có số lượng doanh nghiệp gia đình lớn nhất ở Châu Á (17), đồng thời các doanh nghiệp gia đình ở đây cũng có tổng doanh thu đáng kể (513 tỷ đô la Mỹ).

Ngành Sản phẩm Tiêu dùng có nhiều doanh nghiệp gia đình nhất ở Châu Á, trong khi ngành Sản xuất Công nghệ cao tạo ra doanh thu và việc làm lớn nhất. Theo chỉ số của EY, công ty xếp hạng cao nhất ở Châu Á là Tata Sons Ltd. (Ấn Độ).

“Đây là những thông tin tổng quan về sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới, với những điểm nhấn quan trọng về sự phân bố địa lý, cơ cấu ngành và động lực phát triển của họ. Đặc biệt, sự tăng trưởng doanh thu và việc làm cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp gia đình trong nền kinh tế toàn cầu", ông Robert nhìn nhận.

Ông Desmond Teo 1
Ông Desmond Teo, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Lãnh đạo Dịch vụ Thuế Tư nhân, EY Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Khu vực Asean

Chia sẻ thêm thông tin về doanh nghiệp gia đình ở Châu Á và khu vực ASEAN, ông Desmond Teo -Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Lãnh đạo Dịch vụ Thuế Tư nhân, EY Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Khu vực Asean, cũng cho biết, tại khu vực Châu Á và ASEAN, có 89 doanh nghiệp có trụ sở tại Châu Á trong chỉ số (18%). 17 doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN. CP ALL Plc. (Thái Lan) là doanh nghiệp gia đình lớn nhất ASEAN; trong khi đó doanh nghiệp gia đình lâu đời nhất ASEAN thuộc về Philippines, công ty Ayala Corporation có mặt từ năm 1834.

Đặc biệt nhưng không gây bất ngờ, SK Inc. (Hàn Quốc), một trong những nhà đầu tư lớn đã và đang gắn bó qua nguồn vốn đầu tư với các doanh nghiệp Việt, được xếp hạng là doanh nghiệp gia đình lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương. Bảng xếp hạng của EY cũng ghi nhận Tata Sons Ltd. (Ấn Độ) được xếp hạng cao nhất ở Châu Á.

“Các doanh nghiệp gia đình đang hoạt động trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động và thách thức như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các thách thức hiện tại bao gồm sự thay đổi thế hệ ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư do văn hóa và thói quen tiêu dùng đã có rất nhiều thay đổi, gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo, thuế quan thương mại, mở rộng các lệnh trừng phạt tài chính và thương mại, thuế tối thiểu toàn cầu, tăng cường minh bạch, tác động đến chuỗi cung ứng, sự trỗi dậy của dữ liệu và AI, chi phí nợ và ESG, căng thẳng Mỹ-Trung, và xung đột ở châu Âu, Trung Đông, Biển Đông”, ông Desmond Teo nói.

Trong bối cảnh và thách thức nêu trên, cơ hội và đường hướng của các doanh nghiệp khu vực, theo ông Desmond Teo, sẽ là đa dạng hóa (về địa lý, loại tài sản) và chuyển đổi số được xem là con đường phía trước cho các doanh nghiệp gia đình.

“Chỉ số này cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp gia đình Việt Nam so sánh và học hỏi từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Lê Mỹ