Doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ tạo được uy tín bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: ESG đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo khung khổ pháp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và hỗ trợ phát triển các tổ chức xã hội. Đặc biệt, Bộ cũng đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực của quốc gia. Những nỗ lực của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực này góp phần quan trọng vào việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho thực hành ESG, thúc đẩy phát triển bền vững và kiến thiết một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng chia sẻ thực tiễn cho thấy, cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện và năng lực đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, cần tính toán làm thế nào để xây dựng một lực lượng lao động bền vững, có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Cần hướng đến tầm nhìn dài hạn, đặt khoa học công nghệ vào trung tâm của quản trị và phát triển bền vững. Khoa học sẽ giúp các vấn đề môi trường được giải quyết hiệu quả, tài nguyên được sử dụng tối ưu, chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
"Với sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Bộ Nội vụ cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan để xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng và văn minh", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.
TS Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Hà Nội, nêu góc nhìn về thực trạng ESG trong cộng đồng doanh nghiệp với 4 điểm sáng đang hình thành: Thứ nhất là tín dụng xanh đang tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai, nguồn vốn quốc tế vào ESG, tiêu biểu như khoản cam kết 210 triệu USD từ IFC, cũng đang tạo động lực mới. Thứ ba, khung pháp lý đã rõ nét hơn nhờ các thông tư, hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước. Thứ tư, nhận thức của doanh nghiệp về ESG đang được cải thiện, nhất là trong tiếp cận các thị trường như FDI.
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra nhiều nút thắt lớn. Đó là mới chỉ có 4,5% tín dụng xanh được giải ngân. SME gặp khó khi tiếp cận vì thiếu tài sản thế chấp, lãi suất chưa ưu đãi và tiêu chuẩn ESG còn xa lạ. Có đến 60% doanh nghiệp nhỏ không biết đăng ký nhận hỗ trợ ở đâu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không biết ESG là gì và càng khó giữ chân nhân sự có chuyên môn về lĩnh vực này.
Vì vậy, ông Mạc Quốc Anh đề xuất 5 nhóm giải pháp gồm: Thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh từ 30 - 50%; rút gọn bộ tiêu chí xanh, học hỏi mô hình quốc tế; thúc đẩy số hóa dữ liệu doanh nghiệp; ưu đãi thuế 2–4 năm đầu cho doanh nghiệp xanh; xây dựng mạng lưới cố vấn ESG theo chuỗi giá trị.

Để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho rằng Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống:
Trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.
Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG. Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng "tự bơi" hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục. Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.
Cuối cùng, nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách.

"Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai" - ông Huy khẳng định.