Thái Nguyên quyết liệt CCHC giai đoạn 2021–2025: Hướng tới chính quyền phục vụ
Giai đoạn 2021–2025 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Thái Nguyên trong tiến trình CCHC, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu nổi bật, khẳng định vị trí trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính; lan tỏa mạnh mẽ tinh thần phục vụ vì người dân và doanh nghiệp – đúng như tinh thần cải cách hướng đến sự hài lòng.

Quyết liệt hành động, thống nhất triển khai
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 4020/QĐ-UBND ngày 16/12/2021, phê duyệt Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021–2025 với 26 chỉ tiêu cụ thể. Đến đầu năm 2025, tỉnh đã hoàn thành 15/26 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch như mức độ hài lòng của người dân, số hóa thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy, và phát triển chính quyền số.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng khẳng định: “Cải cách hành chính là nhiệm vụ xuyên suốt và ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành. Thái Nguyên đặt ra yêu cầu cao nhất đối với sự thay đổi từ thể chế, tổ chức bộ máy đến chất lượng phục vụ, với mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, từ năm 2021 đến đầu năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành 136 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ CCHC; hoàn thành 15/26 chỉ tiêu đề ra trong chương trình CCHC giai đoạn 2021–2025; 11 chỉ tiêu còn lại đang được triển khai thực hiện đúng lộ trình.
Một trong những “điểm sáng” nổi bật của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn này chính là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tỉnh đã ban hành 159 Quyết định công bố 8.016 danh mục TTHC, trong đó có 4.098 thủ tục ban hành mới, 29 thủ tục sửa đổi và 3.889 thủ tục bị bãi bỏ. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đang duy trì 1.915 TTHC có hiệu lực.
Bên cạnh đó, mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh và Bộ phận Một cửa hiện đại tại 9/9 huyện, thành phố và 177/177 xã, phường, thị trấn đã trở thành điểm nhấn trong cải cách, giúp giảm thời gian, chi phí và tạo sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã xử lý hơn 3,3 triệu hồ sơ với tỷ lệ đúng hạn đạt 99,78%.

Theo thống kê từ Sở Nội vụ, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết TTHC đạt 88,48%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin số hóa đạt 87,84%. Các thủ tục sau khi công bố đều được tích hợp và công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, niêm yết tại bộ phận một cửa các cấp, phục vụ người dân tra cứu thuận tiện.
Đặc biệt, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC năm 2023 đạt 90,74%, vượt 0,74% so với chỉ tiêu đề ra trong chương trình CCHC giai đoạn 2021–2025. Trong đó, lĩnh vực xây dựng đạt 88,65%; đầu tư đạt 92,3%; riêng lĩnh vực đất đai đạt 79% – đây là lĩnh vực tỉnh đang nỗ lực cải thiện.
Tỉnh cũng tiếp nhận và xử lý 273 phản ánh, kiến nghị từ cá nhân, tổ chức thông qua hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh TTHC, góp phần tăng cường minh bạch, nâng cao hiệu quả phục vụ.
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Thái Nguyên luôn kiên trì mục tiêu nâng cao sự hài lòng của người dân. Những nỗ lực về cải cách thủ tục, số hóa quy trình và hiện đại hóa hành chính đều hướng đến sự thuận tiện và minh bạch. Mức độ hài lòng luôn đạt trên 90% là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả phục vụ công dân”.
Ba năm liên tiếp nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước
Kết quả cải cách hành chính của Thái Nguyên được thể hiện rõ nét qua các chỉ số do Bộ Nội vụ công bố. Trong 3 năm liên tiếp từ 2021 đến 2023, tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC (PAR Index). Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính đạt kết quả tích cực: Năm 2021 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, đạt 89,42%; Năm 2022 vươn lên vị trí thứ 2, đạt 86,26%; Năm 2023 tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 với tỷ lệ 90,29%, đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình CCHC tỉnh giai đoạn 2021–2025 (từ 90% trở lên).

Tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc việc tự chấm điểm CCHC theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, công bố kết quả đánh giá xếp hạng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và tổ chức nhiều đợt kiểm tra công vụ nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bên cạnh cải cách TTHC, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn đầu mối, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự chủ, đồng thời xây dựng danh mục vị trí cần luân chuyển, định kỳ chuyển đổi cán bộ tại các vị trí nhạy cảm.
“Việc xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp – trách nhiệm – năng động – thực tài” được tỉnh Thái Nguyên triển khai một cách bài bản. 100% cơ quan, đơn vị đã được phê duyệt vị trí việc làm và bố trí cán bộ, công chức theo đúng tiêu chuẩn” – theo Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên Nguyễn Quốc Hữu.
Tỉnh cũng triển khai cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức công khai, minh bạch và cạnh tranh, với tỷ lệ 3–10 người/1 vị trí thi tuyển, nhất là ở ngành giáo dục. Trong công tác bổ nhiệm, rà soát quy hoạch, các ứng viên được lấy phiếu giới thiệu luôn có tỷ lệ cạnh tranh cao, quy trình thực hiện nghiêm túc, khoa học.
Trong công cuộc chuyển đổi số, Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu. Đến nay, 100% cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền điện tử đã được kết nối, chia sẻ với hệ thống quốc gia. Các cơ sở dữ liệu bao gồm: dữ liệu TTHC, hồ sơ điện tử, cán bộ công chức, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường… đều được tích hợp, liên thông.
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối đầy đủ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bao phủ 19 sở, ban, ngành; 9 huyện, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn. Tỉnh cũng triển khai giải pháp thanh toán phí, lệ phí TTHC qua QR-Code, chuyển giao tiếp nhận hồ sơ hành chính cho doanh nghiệp bưu chính công ích nhằm tiết kiệm chi phí xã hội và tăng tính chuyên nghiệp.
.jpg)
Cải cách thể chế: Nền tảng bền vững
Thái Nguyên chú trọng việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Từ năm 2021–2024, tỉnh đã ban hành 267 văn bản QPPL (gồm 105 Nghị quyết và 162 Quyết định). UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ.
Tỉnh cũng tổ chức khảo sát nhận thức pháp luật trong nhân dân, triển khai các đề án tăng cường hoạt động xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành và xử lý vi phạm hành chính. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp kiểm tra liên ngành ở nhiều lĩnh vực trọng yếu như đất đai, tài chính, giáo dục, lao động…
Cùng với đó, phong trào thi đua, sáng kiến CCHC được lan tỏa rộng rãi. Giai đoạn 2021–2024, Thái Nguyên đã công nhận 52 sáng kiến, đề tài khoa học về CCHC có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh và ứng dụng thực tiễn cao. Một số sáng kiến nổi bật như: giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mô hình chuyển đổi số toàn diện, phương án tái cấu trúc đơn vị sự nghiệp…
Chặng đường 2021–2025 khẳng định bước tiến vững chắc của tỉnh Thái Nguyên trong cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. “Cải cách hành chính là quá trình liên tục, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ. Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tạo dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong mọi hành trình phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.