Các nhân tố phát triển đại học đổi mới sáng tạo
Đại học đổi mới sáng tạo cần phải có những chính sách và chiến lược đúng đắn từ Nhà nước tới những hành động cụ thể của các trường đại học trong tổng thể gắn kết chung của cả hệ sinh thái.

Sau hơn 17 năm hoạt động, BK Holdings thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đang chứng minh cho nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể và sự phối hợp với các nhà trường, đối tác, bộ ngành trung ương và địa phương trong việc phát triển đại học đổi mới sáng tạo.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST&KN) non trẻ với rất nhiều bỡ ngỡ. Việc khuyến khích ĐMST&KN gắn liền với kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam là bước đi cần thiết góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mỗi trường đại học đều xác định Chiến lược phát triển Nhà trường về việc gắn liền đào tạo với đổi mới sáng tạo, đề cao tự chủ đại học trong mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Theo đó, tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được lan tỏa trong tất cả các hoạt động của nhà trường từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đến chuyển giao công nghệ. Tùy vào đặc thù của mỗi trường sẽ có cách xây dựng môi trường riêng và phù hợp với cấu trúc chung của ngành. Không nhất thiết trường nào cũng phải có vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung, TTO/TLO hay thậm chí là hệ thống doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là toàn bộ các trường phải nhận thức đúng tầm quan trọng của ĐMST&KN thể hiện qua chiến lược, tư duy và hành động cụ thể.
Tinh thần ĐMST&KN còn được lan tỏa thông qua các hoạt động đào tạo và hợp tác doanh nghiệp, cổ vũ tinh thần sáng tạo và kinh doanh, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu thông qua một vài hoạt động cơ bản như: Tổ chức cuộc thi sáng tạo hoặc khởi nghiệp để kích thích hứng thú kinh doanh của các nhà nghiên cứu, khuyến khích hiện thực hóa các ý tưởng thành sản phẩm; phát triển chương trình đào tạo doanh nhân công nghệ, từng bước đưa vào chính khóa nội dung ĐMST & KN cho sinh viên đại học và sau đại học; ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty/tập đoàn công nghệ để phát triển các nghiên cứu của đại học sát thực tiễn; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo để nuôi dưỡng niềm đam mê kinh doanh, tăng cường tư duy sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, cựu sinh viên và cả nhà khoa học...
Cần 3 nhà trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Nhà nước, nhà trường và nhà kinh doanh để thúc đẩy mạng lưới đổi mới sáng tạo của các trường đại học nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mong muốn hợp tác từ “ba nhà”
Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đòi hỏi phải có sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, với quy mô lớn, vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp spin-off đã được thành lập trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học dưới sự phối hợp giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và các doanh nghiệp ở các lĩnh vực vật liệu, năng lượng, môi trường… Tuy nhiên, con số còn khá khiêm tốn. Có thể thấy, các yêu cầu của doanh nghiệp ngày càng cao và đồng bộ nên cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Điều này đồng nghĩa với việc cần thiết phải phát huy thế mạnh vốn có của lực lượng các nhà khoa học là cán bộ của các cơ sở giáo dục đại học.
Hành trình khởi nghiệp là một hành trình rất dài, cần rất nhiều thời gian công sức, đưa những tài sản trí tuệ, những công nghệ tiên phong (deep tech) từ các trường đại học ra công chúng.
Thúc đẩy khởi nghiệp đồng nghĩa với việc thúc đẩy nghiên cứu gắn với các ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp hợp tác khai thác tài sản trí tuệ (spin-off, start-up, SME).
Cùng với đó là sự thúc đẩy tìm kiếm nguồn lực tài chính cho khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST bao gồm các nguồn từ tổ chức quốc tế, quỹ phát triển KHCN từ doanh nghiệp & các bộ, ngành, địa phương.
Với sự tiên phong của mình, BK Holdings mong muốn đóng góp công sức vào sự nghiệp thúc đẩy mạng lưới đổi mới sáng tạo của các trường đại học nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung.
Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần “ba nhà” trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Nhà nước, nhà trường và nhà kinh doanh - cùng chung tay, hợp tác và phát triển bền vững.