“Khơi dậy” tiềm năng hợp tác năng lượng Việt - Mỹ
Mỹ có thể chia sẻ những tiến bộ giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon và nitơ oxit xuống mức rất thấp, đồng thời vẫn duy trì được nguồn cung năng lượng nền ổn định.
Đây là lĩnh vực rất tiềm năng mà Mỹ và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông John Rockhold - Chủ tịch Pacific Rim Investment and Management, thành viên Ban lãnh đạo AmCham Hà Nội, xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, những lĩnh vực hợp tác kinh tế then chốt nào giữa Mỹ và Việt Nam đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ?
Chúng ta đang chứng kiến tiềm năng to lớn trong lĩnh vực công nghệ than sạch, nơi Mỹ có thể chia sẻ những tiến bộ giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon và nitơ oxit xuống mức rất thấp, đồng thời vẫn duy trì được nguồn cung năng lượng nền ổn định. Công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực này rất quan trọng. Bên cạnh đó, sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng mang lại những cơ hội đáng kể cho cả hai nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực môi trường.
Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, như điện gió ngoài khơi và điện mặt trời... là không đủ. Vì vậy, tập trung vào việc làm sạch nguồn năng lượng nền là rất quan trọng để có một môi trường sạch hơn.
Tôi rất vui khi thấy rằng công nghệ này đang phát triển, và hai bên sẽ có các cuộc gặp gỡ vào tháng 6 tới để xem xét công nghệ này cũng như thảo luận về cách thức hợp tác. Mỹ tin tưởng rằng quyền sở hữu trí tuệ sẽ được Việt Nam tôn trọng, mở đường cho việc chia sẻ công nghệ. Nếu thành công, điều này có thể giúp Việt Nam giảm đáng kể việc sử dụng than, có thể từ 10% đến 14%; giảm lượng khí thải carbon từ 30% đến 70%; và giảm đáng kể khí thải NOx.
Đây là những lĩnh vực mà chúng ta nên hợp tác, sử dụng công nghệ cao và AI để hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, y tế và môi trường. Cả hai bên đều có lợi.

- Để thu hút thêm vốn FDI từ Mỹ, Việt Nam cần ưu tiên những cải cách hoặc thay đổi quan trọng nào, thưa ông?
Với chính sách tạo điều kiện thuận lợi, Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa trong việc xem xét năng lực và xây dựng năng lực cho lực lượng lao động Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng.
Năng lượng là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế. Chúng ta có thể thấy rõ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam qua Quy hoạch Điện VIII sửa đổi mới được ban hành. Tuy nhiên, để thực hiện quy hoạch này, chúng ta cần đầu tư rất nhiều vào xây dựng năng lực trên mọi cấp độ, không chỉ ở các trường đại học mà còn ở các trường kỹ thuật và lực lượng lao động kỹ thuật.
Chúng ta cần nâng cao trình độ của lực lượng lao động để họ sẵn sàng cho ngành năng lượng mới này. Chúng ta đang xem xét những khoản đầu tư khổng lồ, khoảng 30 tỷ USD đến năm 2030, nhưng chúng ta cần nguồn nhân lực để thực hiện điều đó.
- Theo ông, đâu là những thách thức chính mà các nhà đầu tư FDI hiện đang phải đối mặt tại Việt Nam?
Về thủ tục giấy tờ, chúng ta cần chuyển từ các biên bản ghi nhớ (MOU) sang các hợp đồng thực tế và bắt tay vào xây dựng. Nếu nhìn vào một số dự án của chúng tôi trong ngành khí đốt, nhiều MOU đã được ký kết nhưng việc mua bán thực tế chưa nhiều. Điều này cũng tương tự đối với việc mua máy bay.
Lưu ý rằng, ngay cả khi Việt Nam đặt hàng ngay bây giờ, phía Mỹ cũng có thể mất đến 5 năm để hoàn thành nhiều đơn hàng do nền kinh tế của chúng tôi cũng đang trong quá trình sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam muốn mua. Vì vậy, chúng ta cần xem xét nền kinh tế của nhau và hiểu rằng cả Việt Nam và Mỹ đều có những vấn đề riêng.
Một vấn đề lớn khác là Chính phủ đang có kế hoạch phát triển thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng rất ít nhà máy LNG dự kiến được xây dựng trước năm 2030. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ không thể mua khí LNG từ Mỹ cho đến khi các nhà máy này được xây dựng.
Dù sao, đây là thời điểm tốt để bắt đầu thảo luận về những vấn đề này. Việt Nam cũng có thể bắt đầu xem xét các khoản đầu tư như vậy vì chúng sẽ mang lại lợi nhuận tốt. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với Mỹ và đang có 90 ngày tạm dừng. Tôi không thể đánh giá liệu đây là tin tốt hay xấu, nhưng các kế hoạch kinh doanh thường là dài hạn, và tôi tin rằng Việt Nam vẫn là một địa điểm đầu tư hấp dẫn.
- Trân trọng cảm ơn ông!