"Tư nhân hoá hợp tác khu vực" - giải pháp đột phá chuyển dịch năng lượng xanh
Theo đó, “tư nhân hóa hợp tác khu vực” là hướng đi hiệu quả để thực thi nhanh các cam kết Net Zero, phát triển bền vững và chuyển dịch xanh
Chia sẻ tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Trung Quốc – ASEAN: Cơ hội hợp tác về giải pháp, công nghệ và đầu tư phát triển năng lượng sạch và sạch hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Năng lượng T&T (T&T Energy), Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nhận định, một quốc gia thịnh vượng phải dựa trên nền tảng nền kinh tế xanh và bền vững.

Mô hình hợp tác thực chất
Là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, một doanh nghiệp dân tộc với khát vọng đóng góp và cống hiến cho xã hội, Tập đoàn T&T luôn coi năng lượng là lĩnh vực đầu tư mũi nhọn, với mục tiêu trở thành Tập đoàn đầu tư năng lượng hàng đầu Việt Nam và top 50 châu Á, đến năm 2035 đạt tổng công suất phát điện từ 16.000–20.000 MW, chiếm khoảng 10% công suất hệ thống điện Việt Nam, trong đó phần lớn là từ các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG, điện sinh khối và hydrogen/amoniac xanh.
Được biết đến nay, T&T Group đã đầu tư tổng công suất lũy kế hơn 2800Mw gồm điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG.
Đáng lưu ý, Tập đoàn này đã thiết lập một hệ sinh thái đầu tư toàn diện, trong đó, đầu tư phát triển các dự án nguồn điện; đầu tư sản xuất các loại hình năng lượng mới như hydrogen; đầu tư sản xuất pin lưu trữ năng lượng và đầu tư các khu công nghiệp phụ trợ sản xuất trang thiết bị cho năng lượng tái tạo.

“Năng lực kỹ thuật, quản trị, công nghệ và tài chính từ các đối tác quốc tế chính là những nhân tố đồng hành quan trọng giúp T&T thực thi chiến lược năng lượng sạch nhanh và hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ.
Đồng thời, coi trọng đẩy mạnh việc hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực. Trong đó, triển khai mô hình hợp tác khu vực ASEAN – Trung Quốc một cách thực chất.
Với các đối tác công nghệ, nhà thầu và nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc, T&T coi đây là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam với các đối tác như Cospower - một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc để triển khai đầu tư dự án Nhà máy sản xuất pin lưu trữ hàng đầu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trong khu vực và thế giới.
“Sản phẩm liên doanh sẽ ra mắt thị trường vào năm 2026, đón đầu nhu cầu rất lắp đặt tích hợp pin lưu trữ cho các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam sau khi có các quy định và khung pháp lý rõ ràng về giá điện từ pin lưu trữ và tỷ lệ lắp đặt”, Chủ tịch T&T Energy chia sẻ.
Đồng thời cho biết thiết lập cơ chế hợp tác chiến lược với các nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc để có các cơ chế đồng hành từ rất sớm (từ khâu nghiên cứu, khảo sát, lập FS dự án cho đến triển khai đầu tư xây dựng) để chủ động lựa chọn các dự án hiệu quả và đảm bảo tiến độ đầu tư.
“Cụ thể, chúng tôi đang đồng hành cùng các Nhà chiến lược là các Tổng thầu Trung Quốc, như GEDI thuộc Tập đoàn China Energy các Nhà cung cấp thiết bị chiến lược như Goldwind, Envision…”, bà Thanh Bình cho biết.
T&T tiếp tục mong muốn hợp tác với các tập đoàn Trung Quốc để cùng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, mở rộng đầu tư, sản xuất thiết bị tại Việt Nam. Đặc biệt, mong muốn hợp tác với Nhà sản xuất thiết bị từ Trung Quốc mong muốn mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, trong các “Khu công nghiệp xanh” mà Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch, tạo ra các trung tâm sản xuất, cung cấp thiết bị NLTT cho toàn khu vực ASEAN.

Không chỉ với các đối tác Trung Quốc, với các nước ASEAN, T&T Group cho biết đã chủ động mở rộng đầu tư ra khu vực, tiêu biểu là dự án điện gió 495 MW tại Lào – mô hình liên kết năng lượng khu vực và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư các dự án năng lượng tại Lào hướng tới xuất khẩu điện về Việt Nam và 1 số nước trong khu vực. Trong tương lai, hướng tới kết nối lưới điện và xuất khẩu điện sạch trong cộng đồng năng lượng ASEAN.
“Chúng tôi tin rằng mô hình “tư nhân hóa hợp tác khu vực” là hướng đi hiệu quả để thực thi nhanh các cam kết Net Zero, phát triển bền vững và chuyển dịch xanh”, Chủ tịch T&T Energy khẳng định.
Cơ chế khuyến khích liên kết khu vực
Để các doanh nghiệp năng lượng như T&T tham gia sâu hơn vào các hợp tác năng lượng trong khu vực, Tập đoàn này kiến nghị, thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và thể chế hợp tác.
Trong đó, ký kết các hiệp định song phương, đa phương về chia sẻ năng lượng, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác năng lượng trong ASEAN như: Lưới điện ASEAN (APG), Cộng đồng năng lượng ASEAN. Hài hòa, chia sẻ các các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các quốc gia để thuận lợi hợp tác.
Thứ hai, phát triển hạ tầng kết nối khu vực. Theo đó, đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện xuyên biên giới (Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào - Campuchia). Đồng thời tăng cường kết nối mạng lưới điện trong ASEAN theo sáng kiến APG, hướng tới thị trường điện khu vực.
Thứ ba, tăng cường hợp tác phát triển các nguồn năng lượng. Trong đó, thúc đẩy liên doanh hợp tác phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các lĩnh vực công nghệ mới như hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng ….
Thứ tư, tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin. Thiết lập cơ chế đối thoại năng lượng thường niên giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN. Chia sẻ dữ liệu về cung cầu, dự báo rủi ro, chính sách ứng phó khủng hoảng năng lượng. Hợp tác đào tạo chuyên gia, kỹ sư năng lượng, quản lý thị trường và an ninh năng lượng xuyên biên giới.
Thứ năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân. Lãnh đạo T&T Group kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận các dự án liên kết khu vực.
Đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát triển các quỹ tài chính xanh, quỹ hợp tác năng lượng hỗ trợ các dự án xuyên quốc gia trong khu vực.