Công nghiệp trở thành “nam châm” hút vốn đầu tư vào Đông Nam Á
Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đã chính thức vượt qua hai phân khúc truyền thống là văn phòng và bán lẻ tại khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield trong ấn phẩm thường niên “Triển vọng Đông Nam Á: Tăng trưởng dài hạn và bền vững”, chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu đang góp phần định hình lại bức tranh đầu tư khu vực, mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Việt Nam giữ vững vị thế “ngôi sao đang lên”
Năm 2024, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tại Đông Nam Á tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trung tâm dữ liệu nổi lên như một điểm sáng, thu hút lượng vốn lên tới 3,2 tỷ USD – cao gấp bốn lần so với năm 2023 và chiếm khoảng 40% tổng đầu tư ngành công nghiệp.
Singapore, Malaysia và Indonesia là ba quốc gia dẫn đầu về thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu, nhờ hạ tầng kỹ thuật số phát triển, nhu cầu sử dụng điện toán đám mây gia tăng mạnh và các chính sách hỗ trợ tích cực từ chính phủ. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò đòn bẩy, giữ cho dòng vốn FDI vào công nghiệp không ngừng chảy mạnh, khi khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 8% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong năm 2023.
Trong bức tranh tăng trưởng chung của khu vực, Việt Nam nổi bật lên như một điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư quốc tế. Cushman & Wakefield dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2025 – một con số vượt kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều biến động.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hàng loạt khoản đầu tư lớn từ các tập đoàn công nghệ và sản xuất hàng đầu thế giới. Amkor Technology công bố nâng tổng vốn đầu tư tại Bắc Ninh lên 1,6 tỷ USD để mở rộng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Trong khi đó, LG Display tiếp tục “rót” thêm 1 tỷ USD vào nhà máy tại Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 5,6 tỷ USD. Những con số này là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, lưu trữ năng lượng và năng lượng tái tạo.
Hạ tầng và cải cách hành chính: Bệ phóng cho tăng trưởng
Cùng với dòng vốn FDI, loạt dự án hạ tầng quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ như sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, đang tạo ra xung lực mới cho phát triển công nghiệp. Việc kết nối giao thông được cải thiện không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn nâng cao khả năng liên kết vùng, đây là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp bền vững.

Bà Ngọc Lê, Giám đốc nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield, nhấn mạnh rằng đề án sáp nhập tỉnh và chuyển đổi sang hệ thống hành chính hai cấp tại Việt Nam sẽ giúp đơn giản hóa quản trị, đồng thời cung cấp một hệ thống pháp lý thống nhất, rõ ràng – điều mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn. “Đề án này không chỉ giúp giảm bớt rào cản hành chính mà còn tạo động lực mới cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu,” bà Lê nhận định.
Bức tranh tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm 2024 tiếp tục tỏa sáng khi toàn khu vực được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 4,8%, vượt xa con số 3,9% của năm 2023. Những nền kinh tế chủ chốt như Việt Nam, Malaysia và Philippines đang chứng tỏ năng lực phục hồi và phát triển dài hạn nhờ tiêu dùng nội địa ổn định và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Theo ông Wong Xian Yang – Giám đốc nghiên cứu thị trường khu vực Singapore & Đông Nam Á, mặc dù các yếu tố bất ổn như biến động thuế quan và địa chính trị vẫn còn hiện hữu, song Đông Nam Á vẫn duy trì được vị thế vững chắc nhờ cơ cấu kinh tế linh hoạt, khả năng tự chủ về sản xuất và chiến lược mở rộng thương mại nội khối ASEAN. “Các lĩnh vực như công nghiệp, logistics, trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đang thu hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức trên toàn cầu. Đây sẽ là những lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng trong dài hạn,” ông Wong khẳng định.
Không chỉ vậy, các sáng kiến hợp tác kinh tế như Khu Kinh tế đặc biệt Johor-Singapore (JS-SEZ) hay các hiệp định thương mại mới đang tạo thêm cơ hội cho đầu tư xuyên biên giới, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn, các chuyên gia cho rằng việc duy trì các yếu tố nền tảng vững chắc, đồng thời linh hoạt trong chiến lược phát triển sẽ là chìa khóa để Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Từ chuỗi cung ứng, logistics, hạ tầng đến cải cách thể chế, mọi yếu tố đang cùng hội tụ để đưa ngành công nghiệp Đông Nam Á bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới – dài hạn, bền vững và đầy triển vọng.