Gỡ nút thắt chính sách, khai thông đầu tư cho điện rác
Các chuyên gia đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt để điện rác có thể phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng.
Thực tế, đốt rác phát điện giúp giảm 95% thể tích và khối lượng chất thải, tận dụng nhiệt để phát điện, hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn từ phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư, các thủ tục đấu nối điện, đến cơ chế giá điện chưa đủ hấp dẫn. Sự phức tạp trong các thủ tục hành chính là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án điện rác kéo dài từ 5-8 năm, một nhà đầu tư chia sẻ với phóng viên về "đoạn trường" triển khai điện rác.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024 thuộc Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo quy định của pháp luật, dự án đầu tư vào điện rác là lĩnh vực ưu đãi đầu tư Nhà nước muốn khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2023 mới có 15 dự án được triển khai, chỉ có 4 dự án đưa vào phát điện.
Theo đại diện VCCI, để thực hiện dự án về điện rác sẽ có 3 phương thức gồm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đối tác công tư PPP, với những dự án hiện có thì chuyển đổi công nghệ. Quy trình này bị đánh giá là chưa phù hợp với đặc thù của ngành điện rác, nơi mà suất đầu tư ban đầu rất lớn và nguồn nguyên liệu - rác thải sinh hoạt - lại phụ thuộc hoàn toàn vào địa phương.
"Thử tưởng tượng xem một nhà đầu tư đầu tư dự án về điện rác cần mức vốn đầu tư cực kỳ lớn nhưng khi họ đã đầu tư xong, cơ chế hoạt động rất ngắn, không bảo đảm chắc chắn rằng sau khi được đấu thầu 5 năm hay đặt hàng theo hàng năm thì họ có tiếp tục được thực hiện tiếp theo không. Bởi vì địa phương vừa là đơn vị cung cấp về nguyên liệu đầu vào vừa là đơn vị sử dụng dịch vụ. Nếu như địa phương không có cam kết dài hạn kéo dài cả về chiều dài dự án đầu tư thì rõ ràng nhà đầu tư sẽ không nhận thấy tính khả thi của dự án đầu tư. Ngân hàng cũng không nhìn thấy được tính khả thi đầu tư dự án này để cho vay vốn", bà Hồng chia sẻ.
Do đó, để gỡ nút thắt chính sách, khai thông đầu tư cho điện rác, VCCI kiến nghị cần cho phép địa phương ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải dài hạn với nhà máy điện rác. Cùng với đó, sớm ban hành danh mục kỹ thuật hiện có tốt nhất và xây dựng hướng dẫn về xử lý tro bay của lò đốt chất thải sau hóa rắn; phân cấp cho địa phương thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng và môi trường; thiết kế lại Danh mục dự án điện rác trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng mớ, không phần bổ trước công suất cho từng địa phương...

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho rằng, phần lớn các dự án điện rác hiện nay đều rơi vào thế bế tắc do vướng mắc trong quy trình pháp lý và thiếu cam kết rõ ràng từ phía cơ quan quản lý địa phương.
Theo bà Hà, các quy định hiện hành chưa phân biệt rõ ràng giữa thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong khi điện rác là lĩnh vực đặc thù. Việc đấu thầu hàng năm khiến nhà đầu tư không thể đảm bảo dòng tiền, tạo ra rủi ro tài chính lớn. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có cơ chế pháp lý cho phép địa phương cam kết khối lượng rác đầu vào, chưa có quy định bảo đảm tài chính, hỗ trợ thu xếp vốn, hay cơ chế chia sẻ doanh thu.
“Chi phí xử lý rác theo công nghệ hiện đại chắc chắn sẽ cao hơn so với công nghệ lạc hậu. Việc yêu cầu so sánh giá giữa hai công nghệ là không hợp lý nếu chúng ta thực sự muốn chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường”, bà Hà phân tích.
Vì vậy, luật sư Hà kiến nghị, bổ sung các cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm cho phép được áp dụng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các dự án điện rác. Có thể bổ sung các điều kiện chi tiết về áp dụng hình thức đặt hàng, thời điểm và thời hạn đặt hàng, các nguyên tắc về điều chỉnh giá dịch vụ… áp dụng riêng cho dự án điện rác. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm quy định về các hình thức mà cơ quan quản lý địa phương có thể cam kết về việc cung cấp khối lượng rác đầu vào cho các dự án điện rác đã được phê duyệt phù hợp với các quy định có liên quan.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital nhấn mạnh, sự ổn định và minh bạch của chính sách là yếu tố then chốt để thu hút các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.
“Nếu không có khung chính sách rõ ràng và ổn định, nhà đầu tư nội địa sẽ không dám tham gia lĩnh vực phức tạp như điện rác. Khi đó, phần lớn thị trường sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc - vốn đã có kinh nghiệm và ưu thế về công nghệ, thiết bị”, ông Tuấn cảnh báo.