Cơ chế, chính sách về tài chính, thuế: Vẫn còn những băn khoăn
Ghi nhận sự tích cực đến từ hoạt động soạn thảo, ban hành chính sách trong lĩnh vực tài chính, thuế trong năm 2024, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn đó không ít băn khoăn.
Theo đó, năm 2024, Nhà nước tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển. Điển hình như: Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15; Giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho một số hàng hóa, dịch vụ theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết 142/2024/QH15; Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP;…

Các chính sách đã nêu đều là những văn bản tác động lớn cộng đồng kinh doanh và nhận được sự quan tâm và theo dõi sát sao của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm sau đại dịch và các biến động kinh tế khác, các chính sách miễn giảm thuế và lệ phí mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ thực hiện trong năm 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Những chính sách này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp mà còn kích thích tiêu dùng và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh, những chính sách miễn, giảm thuế, 2024 cũng là năm có nhiều luật thuế lớn được kiến nghị sửa đổi, bổ sung như: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhìn nhận về nội dung này, tại Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024, Nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, đây là các đạo luật tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và nhận được sự quan tâm rất lớn. và một điểm có thể nhận thấy, một số sửa đổi, bổ sung tại các luật thuế đang hướng tới sự hoàn thiện thống nhất các quy định điều chỉnh liên quan đến kinh tế số và thương mại điện tử (TMĐT).

Chẳng hạn, Luật Thuế giá trị gia tăng quy định rõ trách nhiệm nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam và các tổ chức quản lý nền tảng số, đồng thời yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên sàn. Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT và nền tảng số.
Theo đó, các tổ chức quản lý sàn TMĐT và nền tảng số có chức năng thanh toán sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay, và kê khai thuế cho các giao dịch kinh doanh của hộ kinh doanh và cá nhân trên nền tảng của họ. Đối với các nhà cung cấp nước ngoài, họ có nghĩa vụ tự thực hiện hoặc ủy quyền cho việc đăng ký, khai báo, và nộp thuế tại Việt Nam...
“Đây là vấn đề đã được thảo luận và có những tranh luận trong thời gian dài giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp sàn TMĐT”, Nhóm nghiên cứu của VCCI chia sẻ.
Đồng thời cho hay, từ phía doanh nghiệp có những băn khoăn về chi phí vận hành sẽ gia tăng khi phải thực hiện nghĩa vụ này và cuối cùng chi phí này sẽ được chuyển vào chi phí của người bán trên sàn và cho khách hàng. Bởi, trên thực tế, một số cửa hàng trên sàn TMĐT đã thông báo về tăng giá sản phẩm và khuyến khích người mua chuyển sang đặt hàng ở các nền tảng khác để có giá thấp hơn tính từ thời điểm chính sách này được áp dụng.
Cùng với vấn đề đã nêu, Nhóm nghiên cứu của VCCI cũng bày tỏ, một điểm đáng chú ý và nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của doanh nghiệp trong năm 2024 đó là các chính sách dự kiến của Dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Nhóm nghiên cứu, nếu như năm 2023, doanh nghiệp có ý kiến mạnh mẽ về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online và phương pháp tính thuế đối với mặt hàng rượu, bia, thì năm 2024 vấn đề doanh nghiệp quan tâm là lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, khi Dự thảo Luật đang dự kiến tăng thuế đối với các mặt hàng này từ năm 2026 và tăng dần để đạt đến mức tối đa đến năm 2030 (rượu từ 20 độ trở lên, bia từ năm 2026 mức thuế 80%, mỗi năm tăng 5% và đến năm 2030 là 100%; thuốc lá điếu từ 2026 là mức 5.000 đồng/bao, mỗi năm tăng 1000 đồng/bao, từ năm 2030 là 10.000 đồng/bao).
“Các doanh nghiệp đồng tình với việc tăng thuế đối với các mặt hàng này nhằm hạn chế tiêu dùng, tuy nhiên với lộ trình tăng thuế áp dụng ngay trong năm sau và tăng đều trong các năm đưa đến những quan ngại cho doanh nghiệp. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể mang lại nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và hạn chế đầu tư dài hạn.
Theo Báo cáo nghiên cứu dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia được thực hiện bởi 03 Viện (Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách Công Thương – Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu Đồ uống Việt Nam và nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Tổng cục thống kê), việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo 2 Phương án của Cơ quan soạn thảo có thể làm sụt giảm GDP lần lượt là 14.276 tỷ đồng tương đương 0,0354% (phương án 1) và 32.525 tỷ đồng, tương đương 0,08% (phương án 2), thu nhập người lao động giảm khoảng 3.422 – 4.585 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030”, Nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Đồng thời nhấn mạnh, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đột ngột có thể tạo ra những tác động ngoài mong muốn như kích thích buôn lậu, sản xuất phi chính thức và giảm thu ngân sách nhà nước. Tăng thuế cũng có thể làm gia tăng chênh lệch giá giữa sản phẩm hợp pháp và hàng nhập lậu, khiến người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Doanh nghiệp không phản đối tăng thuế, chỉ mong muốn trì hoãn thời hạn tăng thuế đối với rượu, bia đến năm 2028 và áp dụng tăng thuế mỗi năm 5%; giảm mức thuế tuyệt đối đánh vào hàng thuốc lá, đồng thời kiến nghị tăng cường kiểm soát buôn lậu và hàng giả để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.