Xã hội

Mất niềm tin từ thuốc giả - bài học đắt giá từ thế giới số

Hoàng Minh Ngọc 25/04/2025 03:38

Khi một viên thuốc trôi nổi dễ dàng được bán nhờ vài dòng quảng cáo và video "review" hút lượt thích, thứ bị xâm phạm không chỉ là sức khỏe, mà còn là niềm tin của xã hội.

Đó là niềm tin vào chất lượng sản phẩm, vào sự bảo hộ của cơ quan quản lý, vào đạo đức kinh doanh, vào chính cái nền tảng đang kết nối người bán với người mua.

Thực trạng này không còn là chuyện “cá biệt” hay “thiểu số”. Những vụ việc như đường dây sản xuất thuốc giả bị triệt phá gần đây tại Thanh Hóa, nơi hơn 10 tấn nguyên liệu và thuốc không rõ nguồn gốc bị thu giữ, chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm đang vận hành âm thầm trên không gian số.

Ảnh màn hình 2025-04-24 lúc 21.41.49
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, bán thuốc giả lớn - Ảnh: Công an Thanh Hóa

Những sản phẩm đó, lẽ ra phải bị thu hồi, tiêu hủy hoặc bị ngăn chặn từ đầu, nhưng vẫn dễ dàng xuất hiện trên Shopee, Facebook, TikTok… và được quảng bá bằng những lời có cánh như "giảm cân thần tốc", "trị xương khớp chỉ sau 3 ngày", "trị mất ngủ không cần toa thuốc".

Và người tiêu dùng, nhiều khi trong tâm thế hoang mang hoặc tuyệt vọng, dễ dàng tin tưởng một đoạn video “review” hơn là lời khuyên của bác sĩ.

Trong một thị trường hỗn loạn thông tin và thiếu kiểm soát, không thể trách người dân nếu họ không đủ hiểu biết để nhận ra đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả, đâu là thực phẩm chức năng, đâu là “mầm họa đóng gói”.

Không thể trông chờ họ trở thành “người tiêu dùng thông minh” khi chính những nền tảng công nghệ, nơi họ tìm đến để tra cứu và mua hàng, lại vô tình (hoặc cố tình) góp phần đánh tráo niềm tin của họ.

Chúng ta cần đặt lại câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước hết, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nơi nắm trong tay công cụ lập pháp và thực thi. Khi thị trường dược phẩm số đang mở rộng với tốc độ chóng mặt, thì sự chậm trễ trong việc luật hóa, kiểm soát và xử lý vi phạm chính là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái sinh sôi.

Do vậy, cần sớm ban hành các quy định pháp lý cụ thể và nghiêm ngặt cho hoạt động kinh doanh dược phẩm trực tuyến. Không thể để tình trạng “ai cũng có thể bán thuốc” mà không cần giấy phép, không qua kiểm định, không gắn trách nhiệm.

Thứ hai, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cần bị ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn trong vai trò “người phân phối ngầm”. Họ không thể vừa thu lợi nhuận từ việc kết nối hàng hóa - người dùng, vừa vô can trước những sản phẩm độc hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Nếu một clip quảng bá thuốc giả xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ, thì không thể chỉ “xóa bài” là xong. Cần truy tận gốc người đăng, người bán, thậm chí xử lý nền tảng nếu không thực hiện nghĩa vụ giám sát và hậu kiểm nội dung, sản phẩm được buôn bán trên chính không gian mà họ quản lý.

Thứ ba, người dân cần được trao quyền để tự bảo vệ mình, không phải bằng kiến thức chuyên môn cao siêu, mà bằng hệ thống hỗ trợ minh bạch và dễ tiếp cận. Việc triển khai một hệ thống mã QR quốc gia cho từng hộp thuốc, do Bộ Y tế quản lý và cập nhật theo thời gian thực, là điều hoàn toàn khả thi trong kỷ nguyên số. Chỉ với một cú quét điện thoại, người dân có thể biết sản phẩm có được cấp phép hay không, được phân phối bởi nhà thuốc nào, lịch sử lưu hành ra sao. Đó là tấm “giấy chứng nhận niềm tin” cần có với mỗi sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

Chúng ta không phải không có hình mẫu để học tập. Ở Mỹ, chỉ các nhà thuốc đạt chuẩn VIPPS mới được phép hoạt động online. Ở Châu Âu, mọi trang bán thuốc trực tuyến đều bắt buộc phải gắn biểu tượng xác thực dẫn về trang xác minh của cơ quan quản lý. Singapore thậm chí còn sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát nội dung quảng cáo y tế, đồng thời xây dựng hệ thống truy xuất từng hộp thuốc bằng mã định danh riêng. Những công nghệ này, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng, chỉ cần một quyết tâm đủ mạnh và sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.

Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh rằng, mục tiêu lớn nhất, trọng tâm nhất, cấp thiết nhất hiện nay là phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân, người dân không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn phải tiến tới ăn ngon, ăn sạch, mặc đẹp, sống vui, sống khỏe. Điều đó không thể đạt được nếu chính thị trường lại là nơi gieo rắc hiểm họa sức khỏe.

Còn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng khẳng định rằng: Bảo vệ người dân trước hàng giả, hàng kém chất lượng là "mệnh lệnh không thể trì hoãn". Mệnh lệnh đó không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà còn là sự khẳng định vai trò “người bảo hộ cuối cùng” của nhà nước trong việc bảo đảm an toàn và niềm tin cho dân chúng.

Thị trường online có thể là tương lai, nhưng hiện tại không thể là nơi đạo đức kinh doanh bị xói mòn và luật pháp bị né tránh. Một viên thuốc, một hộp sữa, một lọ thực phẩm chức năng, nếu bị đánh tráo bằng hàng giả, không chỉ gây hại cho người dùng, mà còn làm băng hoại nền tảng đạo đức của toàn xã hội.

“Không ai có thể bắt đầu ngày mới bằng một viên thuốc giả. Và càng không ai có thể sống khỏe nếu niềm tin vào những thứ thiết yếu nhất cũng trở nên mong manh". Câu nói này không chỉ là lời cảnh tỉnh, mà còn là hồi chuông báo động về thực trạng đáng lo ngại trong xã hội số hiện nay.

Người dân có quyền được tiếp cận sản phẩm an toàn, được sống khỏe mạnh và đặt niềm tin vào hệ thống bảo vệ họ. Mỗi viên thuốc đến tay người dân phải là kết quả của cả một chuỗi trách nhiệm được kiểm soát nghiêm ngặt từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nền tảng bán hàng đến cơ quan quản lý. Đó là cam kết tối thiểu, nhưng thiết yếu để giữ gìn niềm tin trong xã hội, một niềm tin không nên, không thể và không được đánh đổi bởi vài lượt thích trên mạng xã hội.

Hoàng Minh Ngọc