Chính trị

Giải ngân vốn đầu tư công - phép thử năng lực điều hành

Hoàng Minh Ngọc 26/04/2025 04:31

Giải ngân vốn đầu tư công là thước đo năng lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương; phản ánh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong bộ máy kiến tạo.

Trong bối cảnh năm tài khóa 2025 đang bước vào giai đoạn tăng tốc, việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một trong những nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng và cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Thế nhưng, như Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã thẳng thắn chỉ ra trong cuộc họp của Tổ Công tác số 3 ngày 24/4 vừa qua, tỉ lệ giải ngân hiện tại "chưa đạt kỳ vọng" và điều đó đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn, thực chất hơn.

dautucong.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025 - năm diễn ra nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Vì sao tỉ lệ giải ngân thấp?

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương, tính đến ngày 31/3, tỉ lệ giải ngân của 13 bộ, cơ quan và địa phương thuộc Tổ Công tác số 3 chỉ đạt 4,69% - một con số đáng báo động khi so với tổng mức vốn được giao lên đến hơn 165.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% kế hoạch cả nước. Trong khi một vài đơn vị như Bộ Tư pháp hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tiến độ khả quan, thì các đầu tàu kinh tế như TP.HCM hay ngành y tế lại đang chậm nhịp, lần lượt chỉ giải ngân được 3,38% và 1,64%.

Đây không phải lần đầu tiên bài toán giải ngân vốn đầu tư công khiến các nhà điều hành đau đầu. Tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vội vã" đã từng được nhắc đến trong nhiều hội nghị, nhiều chỉ đạo. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm là dù các văn bản pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật đã tương đối đầy đủ, thì tốc độ thực thi vẫn chưa có chuyển biến tương xứng.

Trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh rằng "về cơ bản, không còn vướng mắc về thể chế", qua đó chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. Điều này phản ánh một thực tế rằng, không phải thiếu vốn, thiếu quy định hay thiếu định hướng, mà là thiếu sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong triển khai.

Những vướng mắc cố hữu như giải phóng mặt bằng, định giá vật liệu xây dựng, hay chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư tiếp tục được Bộ Tài chính liệt kê là nguyên nhân dẫn đến tiến độ ì ạch. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng nhận định, đây đều là những khó khăn đã được nhắc tới nhiều lần, và đáng lẽ cần có các giải pháp chủ động từ sớm, thay vì để chúng tiếp tục lặp lại như một "điệp khúc" quen thuộc mỗi mùa ngân sách.

Từ trách nhiệm đến hành động

Thông điệp được phát đi từ lãnh đạo Chính phủ đã rất rõ ràng: Không thể để vốn đầu tư công, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng bị nghẽn vì sự lơ là trong điều hành. Việc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương "tập trung cao độ", phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân 100% theo Nghị quyết 77/NQ-CP và Công điện 32/CĐ-TTg không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà còn là một cam kết chính trị đối với cử tri, đối với niềm tin vào hiệu lực bộ máy nhà nước.

Điều đáng chú ý là trong số các dự án được yêu cầu rà soát kỹ tiến độ có những công trình trọng điểm như cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, những cơ sở y tế có vai trò thiết yếu trong hệ thống khám chữa bệnh tuyến trung ương. Hay dự án Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Bắc Ninh, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tư pháp.

Việc chậm trễ tại các dự án như vậy đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp và ảnh hưởng đến an sinh xã hội, chất lượng dịch vụ công, và uy tín của các chính sách phát triển được Nhà nước ưu tiên đầu tư.

Một thực tế cần nhìn nhận là, trong khi Chính phủ đã rất nỗ lực phân bổ nguồn vốn từ đầu năm, với tổng kế hoạch lên tới gần 840.000 tỉ đồng cho năm 2025, thì việc để hàng trăm ngàn tỉ đồng nằm "bất động" trong các tài khoản kho bạc là một sự lãng phí không thể chấp nhận. Nền kinh tế hậu đại dịch đang cần những cú hích mạnh mẽ từ đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, tạo công ăn việc làm và khôi phục niềm tin của thị trường.

Thế nhưng, khi dòng vốn vẫn bị kẹt lại vì thủ tục hành chính, vì chậm ra quyết định, hay vì tư duy “sợ trách nhiệm”, thì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư công sẽ chỉ dừng lại ở kỳ vọng.

Cần nhớ rằng, đầu tư công không phải là “ngân sách trên giấy”. Mỗi đồng vốn giải ngân đúng lúc, đúng chỗ là một sự bảo đảm cho tiến độ của các công trình, một sự phục hồi cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, và một cơ hội sống còn cho những cộng đồng đang chờ đợi hạ tầng mới, bệnh viện mới, trường học mới.

Cần một cơ chế giám sát linh hoạt và quyết đoán hơn

Không thể phủ nhận vai trò của các tổ công tác như Tổ Công tác số 3 với sự chỉ đạo trực tiếp từ Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tạo nên sức ép và cơ chế giám sát cần thiết trong quá trình thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, các tổ công tác cần được trao thêm quyền để kiến nghị điều chuyển vốn khỏi những dự án chậm tiến độ, hay yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm với những đơn vị “giữ tiền mà không tiêu”.

Việc minh bạch hóa tiến độ, công khai danh sách dự án giải ngân chậm theo từng quý trên các nền tảng số, các cổng thông tin của Chính phủ cũng là một bước đi cần thiết để tăng áp lực xã hội và giám sát từ người dân, doanh nghiệp và báo chí.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, giải ngân vốn đầu tư công không đơn thuần là chuyện chi tiêu ngân sách. Đó là thước đo năng lực điều hành của từng bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đó là tấm gương phản chiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong một bộ máy hành chính đang chuyển mình theo hướng kiến tạo.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm chưa đạt kỳ vọng. Đây là một lời nhắc nhở cần thiết rằng phía trước là một cuộc chạy đua nước rút, nơi không có chỗ cho sự trì trệ hay tư duy cầu an.

Bởi trong cuộc đua với thời gian, mỗi tháng trôi qua mà vốn không được đưa vào cuộc sống là một tháng mà người dân mất đi cơ hội hưởng thụ dịch vụ công tốt hơn, nền kinh tế mất đi lực đẩy tăng trưởng, và niềm tin vào sự hiệu quả của nhà nước lại một lần nữa bị thử thách.

Giải ngân vốn đầu tư công nếu được làm tốt sẽ không chỉ là câu chuyện của ngân sách, mà là câu chuyện về trách nhiệm, niềm tin và sự phục hồi bền vững của cả nền kinh tế. Và lúc này, đã đến lúc từng mắt xích trong bộ máy phải chuyển động mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hoàng Minh Ngọc