Chủ tịch Masan Group: 3 điều không thay đổi trong một thế giới biến động nhiều thay đổi
Masan đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng– bán lẻ tích hợp. Bước sang giai đoạn 2, Masan tập trung củng cố thị phần chi tiêu, mang về lợi nhuận…
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ về thông điệp “What we make. Makes us” tới cổ đông, khách hàng và CBNV.
3 điều không thay đổi
“Ngay từ ngày đầu tiên, sứ mệnh “Hàng ngày nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng” đã là kim chỉ nam cho mọi hành động của Masan. Luôn đặt người tiêu dùng làm trọng tâm trên hành trình phụng sự, chúng ta bắt đầu từ việc gắn bó, nâng tầm căn bếp của mỗi gia đình. Trong suốt 29 năm qua, Masan đã không ngừng mở rộng để phục vụ mọi nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Chúng ta kiến tạo giá trị bằng cách hàng ngày mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu luôn được đổi mới với chất lượng tốt hơn ở mức giá hợp lý.
Hành trình chuyển đổi của Masan có lúc khiến người ngoài nhìn vào cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, mỗi sự thay đổi đều hướng đến mục tiêu đáp ứng những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn và luôn thay đổi của người tiêu dùng. Không phải mọi phát kiến đều thành công. Điều quan trọng là những chiến lược thành công chiếm tỉ trọng lớn trong những bước đi của chúng ta", ông Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Theo Chủ tịch Masan, điều đó được minh chứng khi trong suốt thập kỷ qua, Masan Consumer là công ty hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhanh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. WinCommerce từ đang lỗ hơn 200 triệu USD/năm đã đạt lợi nhuận sau thuế là con số dương một cách bền vững. Masan MEATLife lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kể từ khi thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số hợp nhất năm 2024 của Tập đoàn Masan đạt 1.999 tỷ đồng, tăng 377,5% so với năm trước”, ông Quang bày tỏ.
Nhìn từ bên ngoài, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nói, Masan Group là sự kết hợp của nhiều mảnh ghép. Với chúng ta, đây là một hệ sinh thái tích hợp và cộng hưởng cùng nhau để phát huy thế mạnh, là động lực cho sự bứt phá. Điều này được minh chứng qua những con số tích cực của hệ sinh thái Masan: Doanh số trung bình mỗi điểm bán của Masan MEATLife đã tăng gấp đôi, và tốc độ tăng trưởng của Masan Consumer trong hệ thống WinCommerce đã tăng 84%.
Về mặt tài chính, ông cho biết, Masan đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi, tích hợp và kiến tạo giá trị mới chính là thử thách khó khăn nhất, đồng thời mang lại giá trị to lớn nhất. “Chúng ta đã thành công hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng– bán lẻ tích hợp. Bước sang giai đoạn hai, Masan sẽ tập trung củng cố thị phần chi tiêu và mang về lợi nhuận, ông Quang bày tỏ.
Chia sẻ trực tiếp cùng cổ đông tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Đăng Quang cũng nhấn mạnh chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi nhưng trong 30 năm qua, 30 năm sắp tới và nhiều năm nữa, cá nhân ông, chúng ta và Masan mong muốn mọi người tin vào 3 điều không bao giờ thay đổi:
Thứ nhất, đó là nhu cầu tiêu dùng không bao giờ dừng lại, chỉ có đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn, giá trị hơn. Đó là cảm hứng cho mọi người ngành hàng tiêu dùng. Cùng với điều đó còn có 1 thứ không thay đổi đó là nhãn hiệu, là cái người tiêu dùng chọn, là cái tất cả những công ty về ngành hàng tiêu dùng bỏ tiền bỏ trí tuệ bỏ sáng tạo, là nơi kết nối, điểm chạm giữa sản phẩm - nhu cầu không ngừng đòi hỏi cao hơn của người tiêu dùng Tổ chức nào kiên định với con đường đó, đủ sáng tạo để vượt trội trên con đường đó, sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Nhãn hiệu sẽ là nơi chúng ta cạnh tranh là nơi làm chúng ta trở nên khác biệt.
30 năm với hành trình niềm tin và năng lực xây dựng nhãn hiệu, chúng ta đã hiện diện 99% người tiêu dùng Việt Nam đã lựa chọn sản phẩm Masan. Các bạn trẻ đã chọn nhãn hiệu tương ớt Chinsu là nhãn hiệu nằm lòng, ông Quang cho biết.
Thứ hai, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là sự thay đổi sẽ không bao giờ dừng lại. Thế giới sẽ không dừng lại. Ngày mai thế giới sẽ tuyệt vời hơn hôm qua. Đó là cảm hứng, là niềm đam mê, và sự dẫn dắt từ chuyển đổi số, từ công nghệ sẽ như những ngọn sóng, sở hữu công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp, con người vươn lên đỉnh cao. Masan luôn, sẽ tìm cách đạt được dùng công nghệ dẫn dắt vượt lên sự thay đổi trong việc xây dựng nhãn hiệu, tạo ra sự đổi mới, để Go Global.
Thời gian tới, Go Digital sẽ là chặng đường thử thách tiếp theo của Masan. Công nghệ sẽ nằm trọng tâm để kết nối điểm chạm với người tiêu dùng. Đó là nơi xuất hiện cơ hội cho nhãn hiệu nói về mình, bắt đầu hành trình của sản phẩm. Công nghệ giúp Masan hiểu người tiêu dùng tốt hơn, cho doanh nghiệp được phục vụ thiết yếu ở mọi điểm chạm, ông cho biết.
Thứ ba, theo tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, chúng ta tin rằng một nền tảng kinh doanh thành công phải là 1 nền tảng kinh doanh có sự tăng trưởng cao, lợi nhuận cao. Năng lực, công nghệ, thương hiệu cho phép chúng ta tạo ra nhữn giá trị cao nhất, vượt trội so với kì vọng của người tiêu dùng, nhưng phải sử dụng ít nhất tài nguyên thiên nhiên. Tổ chức như vậy sẽ được tưởng thươngr giá trị doanh thu, lợi nhuận cao. Nó là hành trình, niềm tin, phải phấn đấu, theo đuổi, và chắc chắn được tưởng thưởng.
“Phụng sự người tiêu dùng, chúng ta trở thành người tiêu dùng. Do đó chúng ta biến công ty thành công ty của người tiêu dùng. Masan được sinh ra, được tạo nên, để phụng sự người tiêu dùng”, ông Quang lý giải về thông điệp của Tập đoàn Masan.
Masan đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên 52% trong năm 2025
Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh và con đường chuyển đổi số, Go Digital, ông Danny Lê - Tổng Giám đốc Masan Group nhấn mạnh rằng Masan đã thực hiện đúng lời hứa về kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024. "Tại Đại hội đồng cổ đông năm trước, chúng tôi đã cam kết với các cổ đông rằng Masan sẽ quay lại con đường tăng trưởng có lợi nhuận, và chúng tôi tự hào đã thực hiện được điều này trong năm 2024" - Ông Danny Le nói.

Nói cụ thể hơn về chuyển đổi số, ông Danny Le cho biết sẽ xây dựng một giao diện số như một người anh em sinh đôi của những điều chúng ta đang làm trên môi trường offline, làm sao để số hóa, vận hành đa kênh và kết hợp được. “Chuyển đổi số là mảnh ghép cuối cùng, với việc xây dựng giao diện số người tiêu dùng để tích hợp, cuối năm nay nền tảng này sẽ đi vào vận hành, sử dụng AI và Machine learning.
5 trụ cột chiến lược để khai mở lợi nhuận và vượt trội bền vững của Masan sẽ là: Thị phần chi tiêu, mạng lưới, hội viên, chuỗi cung ứng, chuyển đổi số + tự động hóa. Khi mọi mảnh ghép chiến lược được hoàn thiện, giá trị bền vững sẽ được tạo ra với: Tăng trưởng lợi nhuận 20%; tăng trưởng ROE 20%; 2x Tỷ lệ nợ ròng/ EBITDA, ông Danny cho biết.
Tại ĐHĐCĐ, Masan trình cổ đông kế hoạch tùy thuộc vào phê duyệt nội bộ của Công ty, điều kiện kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường tiêu dùng, với dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 sẽ nằm trong khoảng từ 80.000 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng LFL từ 7% đến 14% so với cùng kỳ (sau điều chỉnh cho việc tách hợp nhất HCS). Trong năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất, không bao gồm MHT, dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 74.013 tỷ đồng đến 78.013 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng từ 8% đến 13% so với cùng kỳ. Kế hoạch LNST từ 4.785 - tối đa 6.500 tỷ đồng, tương ứng 14-52% so với cùng kỳ. Masan Group cũng trình cổ đông thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và sửa đổi điều lệ tương ứng. Masan Group không chia cổ tức năm 2024.
Tập đoàn cũng lên phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty, giá 10.000 đồng/cp. Thời điểm dự kiến trong năm 2025 hoặc 4 tháng đầu năm 2026.
Masan Consumer, Masan MEAT Life, WinCommerce và các kế hoạch tăng trưởng năm 2025
Cùng ngày và trong chuỗi sự kiện, 2 ĐHĐCĐ của Masan Consumer (UpCOM: MCH) và Masan MEATLife (UpCOM: MML), cũng diễn ra.
Trong kế hoạch trình cổ đông, Masan Consumer dự kiến tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu hai chữ số từ 10% đến 15%, nâng tổng doanh thu lên mức 33.500 tỷ đồng - 35.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 7.300 - 7.800 tỷ đồng.
.jpg)
3 trọng tâm chính của công ty này để đạt mức tăng trưởng trên là: (1) Cao cấp hóa, đặc biệt trong ngành Gia vị và Thực phẩm tiện lợi: Năm 2024, chiến lược cao cấp hóa đã giúp ngành Thực phẩm tiện tăng trưởng 8,4% và ngành Gia vị tăng trưởng 7,2%;
(2) Đổi mới và mở rộng danh mục trong ngành đồ uống và chăm sóc cá nhân và gia đình: Năm 2024, ngành hàng Đồ uống ghi nhận mức tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu trà BupNon Tea365 là 106 tỷ đồng trong quý 4/2024, tăng 188,7% so với cùng kỳ năm trước. Thương hiệu Chanté trong ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình đạt doanh thu 157 tỷ đồng trong quý 4/2024, tăng 24,1%.
(3) Go Global: MCH đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ các thị trường quốc tế ít nhất 20% trong năm 2025. Các thị trường chính mà MCH hướng đến bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, với trọng tâm vào các sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.
Masan Consumer trình kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 95%, tương đương số tiền 6.884 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện chi trả số tiền này trong năm.
Kế hoạch cổ tức năm 2025 là tỷ lệ 60% bằng tiền mặt, tương ứng 6.000 đồng/cp.
Masan Consumer trình kế hoạch phát hành ESOP tương tự Masan Group.
CTCP Masan MeatLife dự kiến đạt doanh thu từ 8.250 tỷ đồng đến 8.750 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8% đến 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế từ 25-205 tỷ đồng.
Trong quý 2/2025, MML sẽ tiếp tục ra mắt các sản phẩm đổi mới và tập trung nâng cao giá trị heo nuôi thịt. Các trọng tâm của Công ty là: Nâng cao giá trị thành phẩm của mỗi heo nuôi thịt lên 10 triệu đồng/con, tương đương mức tăng trưởng ~10% so với cùng kỳ năm trước bằng cách tối đa hóa tỷ lệ sử dụng; Tiếp tục đầu tư vào mảng thịt chế biến với mục tiêu đóng góp doanh số 36-37% vào cơ cấu doanh số của MML; Ra mắt "Meat Corner" bên trong chuỗi WCM, hướng tới mục tiêu gia tăng thị phần doanh số thịt chế biến trong chuỗi WCM từ 16,6% lên 20% trong năm 2025. Hướng đến mục tiêu là 40% trong dài hạn.
Công ty dự kiến không chia cổ tức và có kế hoạch phát hành ESOP với số lượng tối đa 3,5% số cổ phần đang lưu hành, giá 10.000 đồng/cp. ESOP dự kiến phát hành trong năm 2025 hoặc 4 tháng đầu năm 2026.
Ngoài ra, một số thành viên chưa niêm yết của Masan như WinCommerce - đơn vị điều hành chuỗi bán WinMart, WinMart+ và Masan High-Tech Materials dự kiến đạt doanh thu thuần từ 35.600 tỷ đồng đến 36.900 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8% đến 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm.
Đặc biệt, WinCommerce (WCM), một mảnh ghép quan trọng của Masan, cho biết với kết quả tăng trưởng dương ở năm 2024, đã đánh dấu chặng đường hoàn tất 5 năm tái cơ cấu. Cụ thể, bà Lê Thị Phương - Tổng Giám đốc WCM cho biết tại cuối 2024, lần đầu tiên WCM vượt doanh thu 33.000 tỷ (+10% so với cùng kỳ năm trước) EBIT 303 tỷ (+4.000 tỷ VND trong giai đoạn 2019-2024), dòng tiền khả dụng 1.500 tỷ (giảm 8 ngày tồn kho so với cùng kỳ năm trước). Lãnh đạo WCM cho biết tăng trưởng dự kiến 2025 sẽ được thúc đẩy bởi việc mở rộng mạng lưới cửa hàng, tăng tốc tăng trưởng doanh thu LFL. Trong quý 2/2025, WCM sẽ tập trung đẩy nhanh việc mở mới cửa hàng và duy trì kiểm soát chặt chẽ lợi nhuận nhằm ứng phó với sự thay đổi nhu cầu do yếu tố mùa vụ. Mục tiêu năm 2025, WCM dự kiên nâng số lượng cửa hàng 4.500 tỷ đồng, nâng doanh số lên 37.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.
Phúc Long Heritage của Masan cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 1.910 tỷ đồng đến 2.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 18% đến 36% so với cùng kỳ năm trước.