Kinh tế địa phương

Bức tranh đầu tư tại Thái Nguyên: Sức bật từ những dự án tầm vóc

Kim Dung - Vũ Phường 25/04/2025 10:49

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong quý I-2025 ước đạt gần 14,3 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu đạt tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 10,5% trở lên, đã xác định việc đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng then chốt là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Tỉnh đang gấp rút chỉ đạo tập trung phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, công nghệ… để sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.

Vành đai 5
Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội - đoạn tuyến đi qua TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình tổng mức đầu tư 4.204 tỷ đồng, với tổng chiều dài 42,55km, được khánh thành ngày 19/4/2025

Hạ tầng giao thông được “nâng tầm”

Một trong những lĩnh vực được chú trọng nhất chính là phát triển hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào mở rộng kết nối với các tỉnh thành lân cận, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung tuyến đường cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên vào quy hoạch và mở rộng các tuyến cao tốc hiện tại như Hà Nội - Thái Nguyên và Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn).

Đồng thời, các tuyến đường kết nối Thái Nguyên với Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Bắc Kạn sẽ tạo ra những cơ hội phát triển mới, nhất là khi Thái Nguyên và Bắc Kạn đang trong giai đoạn triển khai sáp nhập thành một tỉnh.

Song song, các dự án hạ tầng giao thông cũng chú trọng tới việc nâng cao hiệu quả du lịch, đặc biệt là khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Các điểm dừng du lịch như ATK Định Hóa, hồ Núi Cốc và chè Tân Cương có thể sẽ trở thành các điểm du lịch nổi bật, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hạ tầng điện cũng là một trọng điểm trong chiến lược phát triển năm 2025. Đặc biệt, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất sẽ được ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể chủ động sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Hạ tầng cấp nước và thoát nước cũng được quan tâm đầu tư, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân và các khu công nghiệp. Tỉnh đang chú trọng đầu tư các dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại 2 thành phố là Sông Công và Phổ Yên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Dự kiến, Dự án Trạm xử lý nước thải các khu dân cư Việt Bắc tại TP. Thái Nguyên và Trạm xử lý Nam Thái tại TP. Phổ Yên sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Đẩy mạnh hạ tầng số

Với mục tiêu phát triển hạ tầng số, Thái Nguyên đang hướng tới xây dựng mạng 5G và các kết nối cáp quang tốc độ cao. Tới đây, Thái Nguyên sẽ phủ sóng 5G tại 100% các trường đại học và bệnh viện trên địa bàn tỉnh, cùng với mục tiêu phủ sóng 5G lên tới 60% diện tích tỉnh vào cuối năm 2025. Các ứng dụng công nghệ số như Internet vạn vật sẽ được tích hợp vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng và quản lý đô thị, góp phần thúc đẩy Thái Nguyên trở thành một tỉnh phát triển thông minh.

Với định hướng là một trong những giải pháp để tỉnh Thái Nguyên cùng cả nước hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc thành lập và đưa Khu công nghệ thông tin tập trung (CNTT) Yên Bình vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thành lập riêng một nhóm công tác để tập trung xây dựng Đề án Khu CNTT tập trung Yên Bình; giao lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Trường Đại học CNTT và Truyền thông tập trung thực hiện.

Có thể khẳng định, phát triển hạ tầng then chốt của tỉnh Thái Nguyên là một bước đi đột phá, thể hiện quyết tâm mở rộng kết nối vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị… góp phần tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Khởi công, khánh thành loạt dự án trọng điểm

Để chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ngày 19/4/2025, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ khởi công, động thổ, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng.

Trao GCN
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chúc mừng các nhà đầu tư thứ cấp được nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương và CCN Bảo Lý - Xuân Phương

Ngày 19/4/2025, tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội - đoạn tuyến đi qua TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình. Quy mô dự án là 19km đường cấp II (TCVN 4054-05), bề rộng mặt đường trung bình 22,5m.

Tại đây, tỉnh tổ chức lễ khởi công Dự án KĐT Phú Bình 1 và Dự án KĐT Phú Bình 2 do Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường làm chủ đầu tư, diện tích thực hiện dự án 22,33ha; trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương và CCN Bảo Lý - Xuân Phương.

Cùng ngày 19/4/2025, trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh tổ chức lễ động thổ Dự án ĐTXD và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Bình 3, chủ đầu tư là CTCP Tập đoàn BMK. Dự án có tổng diện tích 295,34ha; tổng vốn đầu tư trên 4.139 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại 2 xã Điềm Thụy và Nga My.

Tại xã Tân Quang (TP. Sông Công), lễ khởi công Dự án ĐTXD và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II - giai đoạn 2 (gói thầu số 2). Chủ đầu tư dự án là CTCP Viglacera Thái Nguyên - Tổng Công ty Viglacera CTCP. Dự án có tổng diện tích 296,24ha, tổng vốn đầu tư trên 3.985 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 19/4/2025, Đại học Thái Nguyên tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III, giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt trong quý I-2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khởi công 2 dự án lớn là: Dự án ĐTXD và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II - giai đoạn 2, có quy mô sử dụng đất gần 300ha, với tổng vốn đầu tư gần 4.000 nghìn tỷ đồng; Dự án Flamingo Majestic Island Resort tại Khu du lịch hồ Núi Cốc với tổng diện tích quy hoạch 61,01ha.

Các công trình, dự án được lựa chọn khởi công, động thổ, khánh thành có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội thiết thực không chỉ với Thái Nguyên mà của cả khu vực vùng Đông Bắc.

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ

Trong 3 ngày (từ 21-23/4/2025), ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cùng các lãnh đạo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra tiến độ thực hiện 4 dự án, gồm: Sân golf Glory tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên); Khu nghỉ dưỡng Flamingo Majestic Islands Resort tại Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc (TP. Thái Nguyên); Sân golf Tân Thái (Đại Từ) và đường Bắc Sơn kéo dài (TP. Thái Nguyên). Nhằm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng, tạo động lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

du-an-trong-diem_1_20250423145935.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng và lãnh đạo tỉnh, TP. Phổ Yên kiểm tra Dự án sân golf Glory tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên). ảnh Báo TN

Dự án sân golf Glory có quy mô 54ha, với 18 hố, tổng vốn đầu tư gần 388 tỷ đồng, do Công ty TNHH MDA G&C làm chủ đầu tư. Đây là 1 trong 13 sân golf nằm trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, tiến độ thực hiện Dự án đạt khoảng 70% khối lượng. Dự kiến sân golf được hoàn thành trong tháng 7/2025, vượt tiến độ 2 tháng.

Dự án sân golf Tân Thái do CTCP Golf Tân Thái làm chủ đầu tư, có diện tích 84,2ha, Sân golf 18 hố theo tiêu chuẩn quốc tế, nhà điều hành, công trình phụ trợ, cảnh quan cây xanh…, với tổng mức đầu tư trên 586 tỷ đồng. Là dự án sân golf đầu tiên được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Flamingo Majestic Islands Resort tại Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc được Tập đoàn Flamingo đầu tư xây dựng với quy chuẩn 6 sao; tổng diện tích quy hoạch giai đoạn đầu là 61ha.

Dự án Flamingo Majestic Islands Resort tại Khu du lịch hồ Núi Cốc
Dự án khu nghỉ dưỡng Flamingo Majestic Islands Resort đang được nhà đầu tư tích cực triển khai, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Thái Nguyên ở trong nước và quốc tế

Dự án đường Bắc Sơn kéo dài có chiều dài gần 10km, tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Tuyến đường có 6 làn xe, kết nối trung tâm TP. Thái Nguyên với Khu du lịch hồ Núi Cốc. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), do Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường làm chủ đầu tư.

Hiện tại, tuyến đường chính đã cơ bản được hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành tuyến đường trước ngày 30/6/2025.

Sau khi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của chủ đầu tư và các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Ông Hùng nhấn mạnh: Đây là những dự án động lực, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng công trình, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", công trường rộn tiếng vang, quyết tâm về đích trước kế hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ngành chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho nhà đầu tư, xây dựng phương án khai thác hiệu quả ngay sau khi dự án hoàn thành.

Trong tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng dịp này, tổng vốn đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương, Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 08 nhà đầu tư thứ cấp vào hai cụm công nghiệp là 4.4324,463 tỷ đồng. Trong đó:
1. Tổng vốn đăng ký đầu tư cho 08 nhà đầu tư thứ cấp là 3.226,134 tỷ đồng, gồm:
- Nhà máy cán thép hình Đại Việt Phú Bình
- Dự án Nhà máy sản xuất giấy Xuân Phương
- Dự án Nhà máy sản xuất giấy Phúc Huy
- Dự án Nhà máy sản xuất giấy Phương Á
- Tổ hợp Nhà máy gia công sản xuất vật tư ngành cửa
- Nhà máy nhiệt luyện HTS
- Dự án Nhà máy gia công và kinh doanh thép công nghệ cao
- Nhà máy sản xuất, kinh doanh các loại giấy và bao bì
2. Tổng vốn đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương và Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương là 1.098,329 tỷ đồng

Kim Dung - Vũ Phường